Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ: Đúng quy trình vẫn phải bồi thường

Chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 khẳng định việc xả lũ đúng quy trình và hợp lý. Lãnh đạo UBND huyện Nam Giang cho rằng, quy trình đúng, chẳng lẽ dân bị thiệt hại thì không lo sao? Cuộc sống của người dân sắp tới ra sao, nên trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ phải rõ ràng.

Thông tin mới nhất vụ thủy điện Đăk Mi 4 xả tràn với lưu lượng nước đến 11.400m3/giây khiến ít nhất 321 nhà dân ở huyện Nam Giang bị sập, trôi mất tài sản, mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó TGĐ Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (chủ đầu tư) khẳng định việc xả lũ đúng quy trình và hợp lý, do nước về quá nhiều nếu không cắt nhanh sẽ ảnh hưởng hồ đập.

“Thông thường với lưu lượng về 3.000m3/s thì một tiếng đồng hồ mới lên được 1m nước. Nhưng từ 14h ngày 28/10 nước về rất nhanh, 15 phút nước đã lên 1m nên chúng tôi phải ra thông báo tăng dần lưu lượng xả nhưng cũng theo mức từ thấp đến cao chứ không phải lập tức xả 7.000m3/s liền. Lúc đó nước về hồ là 15.500m3/s, có nghĩa chúng tôi đã cắt gần 50%” - ông Bình nói và cho biết “Thủy điện đã cắt một đợt lũ lịch sử".

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 28/10.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 28/10.

Dư luận đặt câu hỏi, đại diện chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 khẳng định xả lũ đúng quy trình, vậy đơn vị này có phải bồi thường cho người dân thiệt hại?

Tại buổi làm việc về tình hình thiệt hại của người dân huyện Nam Giang trong đợt bão lũ ngày 4/11, ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ trong lúc toàn huyện đang tập trung chống bão số 9 là không phù hợp, khiến chính quyền và người dân bị động. Hậu quả rất nhiều nhà cửa người dân bị ngập nuớc và sụp đổ; tài sản hư hại, vật nuôi bị cuốn trôi. Do đó, thủy điện phải có trách nhiệm với người dân.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang kiến nghị, đối với việc nhiều nhà dân bị sụp đổ, ông Sơn kiến nghị tỉnh cần có chủ trương lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân từ Nghị quyết 12 (80 triệu đồng) kết hợp kênh Mặt trận (40 triệu đồng) và Nghị định 36 (20 triệu đồng), chứ theo quy định hiện nay của Nhà nước về mức hỗ trợ nhà sập hoàn toàn 40 triệu đồng là không đủ, chưa kể thiệt hại về tài sản, con vật nuôi… rất lớn khó thể khắc phục sớm.

Ông Sơn cũng đề nghị Công ty CP Thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm hỗ trợ người dân như thế nào chứ không chỉ là chuyện sụp đổ nhà cửa, bởi ngoài nhà cửa còn có tài sản, vật dụng người dân bị trôi.

“Bây giờ không bàn về quy trình xả lũ, mà phải tập trung khắc phục thiệt hại cho người dân. Chúng ta nói quy trình đúng, chẳng lẽ dân bị thiệt hại thì không lo sao? Cuộc sống của người dân sắp tới ra sao, nên trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ phải rõ ràng để chúng tôi báo lại với dân” – ông Sơn nói.

Bí thư Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường cũng khẳng định thủy điện Đắk Mi không thể thoái thác trách nhiệm. Theo ông Hường, nếu không có thủ điện xả lũ thì sẽ không bao giờ có một lượng nước hơn 7.000m3/s xả ập xuống một lúc như chiều 28/10.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi nói rằng, trước những thiệt hại của dân, đơn vị sẽ làm việc với tỉnh để có chủ trương phối hợp với địa phương hỗ trợ cho người dân tùy mức độ thiệt hại cụ thể nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phía thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm hỗ trợ để bà con trở lại cuộc sống "bình thường mới".

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ thiệt hại của người dân để có hình thức xử lý rất là phù hợp với quy định pháp luật, là cần thiết và đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các hộ dân.

Theo luật sư Cường, trong quá trình hoạt động của các nhà máy thủy điện, việc xả lũ là chuyện không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc xả lũ phải theo quy trình, quy định, phải đảm bảo an toàn cho môi trường, người dân sống nơi hạ nguồn và có sự kiểm soát, quản lý của nhà nước.

Đang trong lúc lũ lụt, đồng bào chưa kịp thu dọn đồ đạc, tài sản, thông báo về việc xả lũ chưa đến với người dân mà nhà máy thủy điện đã tự ý xả lũ gây ngập lụt, ảnh hưởng đến tài sản, thậm chí sức khỏe, tính mạng của nhân dân cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.

“Việc xả lũ không báo đến được với người dân một cách kịp thời, gây thiệt hại đến tài sản đương nhiên phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào mức thiệt hại thực tế xảy ra. Bởi vậy lãnh đạo chính quyền địa phương này yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc phối hợp với người dân để kiểm tra, thống kê thiệt hại, yêu cầu đơn vị này bồi thường là cần thiết và hợp lý, có cơ sở pháp luật” – luật sư Cường cho hay.

Trường hợp chủ đầu tư dự án cố tình không bồi thường cho người dân, có thể xem xét các trách nhiệm pháp lý và người dân có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật trường hợp vụ việc được xử lý bằng chế tài hình sự.

“Trong lúc này, đơn vị thủy điện này và chính quyền địa phương cần phải phối hợp để khắc phục những thiệt hại do hành vi xả lũ gây ra đối với người dân, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đồng thời sẽ phải cam kết không vi phạm, sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương nơi đây” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3

Nguồn: VTV 1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thuy-dien-dak-mi-4-xa-lu-dung-quy-trinh-van-phai-boi-thuong-1456842.html