Thụy Điển: Cục diện chính trị không êm đềm

Cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Điển hôm Chủ nhật 9-9 đã làm châu Âu giật mình, bởi đất nước được xem là có nền chính trị ổn định nhất cựu lục địa lại đang phải trải qua một giai đoạn bất ổn chưa từng có. Cho dù khó có thể giành được ghế trong chính phủ mới nhưng sự thăng tiến của đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển đang tạo ra một cục diện chính trị đầy khó khăn cho các chính đảng truyền thống tại đất nước Bắc Âu này.

Kết quả kiểm phiếu cho đến chiều ngày 10-9 cho thấy, Khối Đỏ-Xanh, gồm đảng lớn nhất là Dân chủ Xã hội Thụy Điển (101 ghế), đảng Cánh tả (28 ghế) và đảng Xanh (15 ghế) dẫn đầu với tổng cộng 144 ghế. Theo sát phía sau là Liên minh trung hữu với tổng cộng 143 ghế, gồm đảng Moderate lớn thứ hai ở Thụy Điển (70 ghế), đảng Center (31 ghế), đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (23 ghế) và đảng Tự do (19 ghế). Riêng đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển (SD) giành được 62 ghế, đứng thứ ba trong Quốc hội Thụy Điển có tổng cộng 349 ghế.

Kết quả này cho thấy, đây là một sự thăng tiến mạnh nhất của đảng SD kể từ khi ra đời cách đây hơn 30 năm. Sự nhảy vọt của đảng này chỉ mới bắt đầu từ kỳ bầu cử năm 2010, khi đó lần đầu tiên đảng này có ghế trong Quốc hội Thụy Điển với tỉ lệ 5,7% phiếu bầu. Đến năm 2014, đảng này nhảy một bước mạnh mẽ lên 12,9% phiếu và năm nay đạt trên 18%.

Tạm thời, tuy SD chưa thể làm một cuộc “lật đổ” nào đối với các đảng truyền thống nhưng số ghế đảng này đạt được tăng mạnh trong khi một số đảng khác lại giảm số ghế khiến cục diện chính trị Thụy Điển không còn “êm đềm” như trước đây nữa. Hai đảng truyền thống (SSD và Moderate) dẫn đầu hai khối chính trị trung tả và trung hữu thay phiên nhau lãnh đạo Thụy Điển trong nhiều thập niên và cùng nhau duy trì một mô hình chính trị ổn định bậc nhất châu Âu.

Thế nhưng, sự vươn lên gần đây của phong trào chính trị cực hữu dân túy lan khắp châu Âu đã khiến trật tự chính trị đó không sớm thì muộn cũng phải thay đổi theo. Quanh khu vực Bắc Âu, những thể chế chính trị được xem là ổn định tương tự như Thụy Điển đang dần thay đổi, nhường chỗ cho sự lên ngôi của chính trị cực hữu dân túy.

Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan đang thích nghi dần với trào lưu dân túy này, từ các liên minh đa đảng trong quốc hội cho đến liên minh chính phủ, nhiều đảng cùng chia nhau các vị trí nội các. Tuy SD chưa thể chia sẻ vị trí quyền lực nào trong Chính phủ Thụy Điển nhưng giới quan sát chính trị Bắc Âu cho rằng rồi cũng sẽ đến lúc điều đó xảy ra.

Sự thắng thế của đảng chính trị cực hữu dân túy bắt nguồn từ những khó khăn, trục trặc trong xã hội. Trong khi các đảng phái truyền thống loay hoay giải quyết những vấn đề gây lo lắng thường trực trong đời sống như người nhập cư, sự hòa nhập xã hội, bản sắc dân tộc, tội phạm, phúc lợi xã hội,... thì các đảng cực hữu lại lợi dụng, khai thác chúng một cách triệt để nhằm thu hút lá phiếu cử tri.

Ở Thụy Điển, cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, SD là đảng phái duy nhất chống người nhập cư một cách kiên trì và quyết liệt nhất. Cũng chính vì vậy mà đảng này đã hút một lượng lớn cử tri từ hai đảng truyền thống, trong đó đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội bị thiệt hại nặng nề nhất, mất khá nhiều cử tri vào tay SD, còn đảng Moderate cũng bị thiệt hại một phần kể từ kỳ bầu cử năm 2014.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven (bên phải) đứng trước khó khăn lớn với sự nhảy vọt của đảng cực hữu SD sau bầu cử.

Trong kỳ bầu cử năm 2018, cả hai đảng này tuy đều giành số ghế tương đương nhau, nhưng chưa đủ tỉ lệ quá bán để có thể đứng ra thành lập chính phủ theo quy định. Điều này tạo ra tình huống bế tắc tạm thời tương tự như ở Đức sau cuộc bầu cử năm 2017.

Thế bế tắc thể hiện rõ ràng từ trong cuộc bầu cử. Hơn 18% cử tri bỏ phiếu cho SD là một minh chứng cho sự thiếu thống nhất của hai khối chính trị truyền thống và giữa họ cũng chưa từng có sự hợp tác nghiêm túc nào. Vì vậy, trong tình hình đảng cực hữu SD đang mạnh lên, giới phân tích cho rằng chính trị Thụy Điển có thể sẽ phải trải qua một quá trình chuyển mình phức tạp nhằm thành lập ra một chính phủ.

Có thể hai khối chính trị tả-hữu truyền thống cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh về tôn chỉ, đường lối để làm sao dung nạp được các chính đảng ở phía bên kia. Nhưng cả khối này hợp tác với khối kia thì rất khó vì trong khối còn có những đảng nhỏ hơn, có đường lối đối chọi nhau không thể dung hòa. Giới phân tích từng đưa ra một phương án là theo mô hình của nước Đức - hình thành một đại liên minh giữa hai đảng lớn nhất Dân chủ Xã hội và Moderate.

Nhưng thực tế xem ra đại liên minh này cũng khó hình thành vì Moderate đang rất muốn làm một cuộc lật đổ để lên nắm quyền, nếu đảng Dân chủ Xã hội không thể thành lập chính phủ. Phương án này có vẻ khả thi vì ở Thụy Điển, chính phủ không nhất thiết phải nắm đa số trong nghị viện.

Một chính phủ thiểu số ở Thụy Điển sẽ là cơ hội cho đảng SD thể hiện quyền lực của mình trong Quốc hội, bởi chính phủ sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của SD để bảo đảm cho sự “tồn tại hay không tồn tại” của mình. Tuy không chính thức tham gia chính quyền, nhưng thế và lực hiện tại đã đủ để SD bắt đầu tham gia sâu hơn vào tiến trình chính trị ở Thụy Điển.

Sự kiện đảng cực hữu SD đạt kết quả tốt ở Thụy Điển càng làm cho bức tranh chính trị cực hữu ở châu Âu thêm phần sôi động. Nếu giành chiến thắng, hầu như chắc chắn SD sẽ đưa Thụy Điển gia nhập cái gọi là phong trào chính trị cực hữu mang tên Movement, mới vừa hình thành do Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng lập.

Bannon đã tuyên bố, mục tiêu của ông khi thành lập tổ chức Movement là nhằm “chấn hưng” phong trào chính trị cực hữu ở châu Âu để chống lại ảnh hưởng của các lãnh đạo châu Âu hiện nay là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông tuyên bố, Movement sẽ dẫn dắt các đảng cực hữu châu Âu tận dụng triệt để cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 để “làm nên lịch sử”.

Hiện tại đã có một số nước tham gia Movement, như Italia, Hungary, Bỉ và một phần nào đó của nước Anh (đảng UKIP).

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/thuy-dien-cuc-dien-chinh-tri-khong-em-dem-510103/