Thủy điện có gây lũ lụt ở hạ du?

Thủy điện có gây lũ lụt ở hạ du? Có hay không hiện tượng lũ chồng lũ? là những câu hỏi tạo nên ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia.

Thủy điện cắt lũ, giảm lũ cho hạ du...

Tại hội thảo Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 12/12, một số chuyên gia cho rằng các công trình thủy điện không gây ra lũ ở hạ du và không có chuyện lũ chồng lũ.

Theo TS Chu Phượng Chí (Hội Thủy lợi Việt Nam), thủy điện có gây úng ngập nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.

"Đã là hồ chứa thủy lợi, đập thủy điện bao giờ cũng cắt lũ, giảm lũ cho hạ du, không có chuyện tăng lũ cho hạ du bởi nếu không có hồ đập, tất cả lũ vẫn đổ xuống hạ du. Đằng này có đập thì ít nhiều nó cũng giữ lũ lại, làm sao tăng ngập được?!", ông Chí nói.

Phân tích cụ thể, TS Chu Phương Chí có biết, có 3 loại hồ thủy lợi, thủy điện:

Thứ nhất là hồ chứa có dung tích phòng lũ lớn như Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà, Thác Bà trên sông chảy, Tuyên Quang thuộc hệ thống Lô- Gâm và một số hồ ở các nơi như cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Vũ Quang, Ngàn Tươi (Hà Tĩnh).

Do các hồ này có dung tích chứa lớn nên đã cắt lũ cho hạ du, các con lũ nhỏ đều được giữ lại trong hồ nên nhiều năm hạ du không có lũ. Đối với loại hồ này vấn đề đặt ra là phải hài hòa giữa phát điện và yêu cầu dùng nước hạ du nhất là trong mùa khô. Bởi vì ranh giới giữa mùa khô và mùa lũ rất mong manh nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay. Về lợi ích phát điện tích nước đầy hồ, chiếm dụng dung tích phòng lũ cho hạ du sẽ rất nguy hiểm khi xảy ra lũ muộn.

Hồ thủy lợi Cửa Đạt. Ảnh: Dân trí

Thứ hai là loại hình công trình đập dâng không có tràn khống chế lũ do đập đã thu hẹp lòng sông nên khi lũ về đã có tác dụng giảm nhẹ lũ cho hạ du nhưng thường không lớn. Loại đập dâng có cửa tràn tạo lượng chứa nhỏ để điều tiết phát điện ngày đêm về mùa khô, khi lũ về các cửa tràn đều mở trước lũ hoặc trong khi lũ về thì đập vẫn xả lũ với lưu lượng lớn nhất. Trong trường hợp này nói lũ chồng lũ là không có cơ sở vì lưu lượng đỉnh lũ xả xuống hạ du luôn nhỏ hơn lưu lượng đỉnh lũ về công trình.

Thứ ba, là hồ làm việc đơn độc thì có các trường hợp sau xảy ra:

Mực nước hồ liên tục tang thì chứng tỏ hồ có liên tục cắt bớt lũ. Lượng lũ về công trình lớn hơn lượng lũ xã.

Mực nước hồ hạ thấp vào thời điểm lũ đang lên tức là hồ đã gây thêm lũ cho hạ du (lũ nhân tạo).

Mực nước hồ không thay đổi trong giai đoạn lũ lên bằng cách đóng mở các cửa van xả lũ chứng tỏ lũ về bao nhiêu thì công trình đã tháo hết bấy nhiêu. Đập không tham gia chống lũ cho hạ du nhưng cũng gây thêm lũ nhân tạo, không làm tăng ngập lụt cho hạ du.

Trường hợp có nhiều hồ đơn độc trên các sông nhánh của một con sông thì trong giai đoạn lũ mực nước tại tất cả các hồ đều tăng thì chứng tỏ từng hồ đều giảm lũ, liên các hồ tham gia giảm lũ cho hạ du mặc dù công trình dưới cùng vẫn xả lũ rất lớn.

Các hồ thủy lợi, thủy điện loại 3 được xây dựng nhiều ở miền Trung và Tây Nguyên. Các tỉnh có tiềm năng thủy điện lớn là Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quãng Ngã, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng… Các nhà máy thủy điện có công suất lắp máy nhỏ dưới 30MW nên chủ yếu khai thác cột nước địa hình để phát điện, hồ chỉ làm nhiệm vụ điều tiết nước ngày đêm nên các hồ này không có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra mưa lũ lớn.

Các hồ thủy điện có công suất lắp máy lớn hơn 30MW cũng chỉ có nhiệm vụ phát điện là chính, hồ chứa không có dung tích phòng lũ hoặc có nhưng rất nhỏ.

Các thủy điện như Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên Huế) sông Ba Hạ (Phú Yên) ở gần hạ du nên khi xảy ra lũ lập trung tại thời điểm có mưa lớn trên diện rộng, hạ lưu đã đầy nước, kết hợp triều cường tăng cao nên mức nước hạ lưu tăng nhanh như mực nước tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) tăng 0,1-0,15m/giờ khi thủy điện sông Ba Hạ xả lũ trong tháng 11/2010 hoặc mực nước sông Hương tại thành phố Huế cũng tăng nhanh khi thủy điện Hương Điền, Bình Điền xã lũ.

"Các hồ thủy lợi, thủy điện loại 3 ở miền Trung và Tây Nguyên không có khả năng cắt giảm lũ cho hạ du nên cho rằng việc xây dựng thủy điện ở khu vực này gây ra úng ngập ở hạ du là chưa chính xác", TS Chu Phượng Chí nói.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV sông Chu, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Cửa Đạt khẳng định, cắt lũ là nhiệm vụ quan trọng trước tiên của hồ này.

"Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3 thì đã dùng gần một nửa để cắt lũ, thậm chí những trận lũ vừa rồi có thể cắt lũ toàn bộ. Có những trận lũ 300-400 triệu m3 đều được tích hết trong hồ. Cho nên nói hồ thủy lợi xả lũ gây ngập lụt cho hạ du là không phải.

Từ lúc hồ Cửa Đạt tích nước vào 2010 đến nay, chỉ có hai năm 2017 và 2018 là phải xả lũ, còn trước đây lũ về đều tích ở hồ để điều tiết cho mùa khô hết. Người dân sông Chu sống chung với lũ, không có lũ về là không có phù sa, người dân rất buồn.

Năm 2017, lũ về 7.500m3/s, bình thường không có hồ Cửa Đạt thì 7.500m3/s ấy theo sông đi hết. Nhưng lũ về, chúng tôi trữ lại trong hồ 4.500m3/s, xả có 3.000 m3/s nước lũ, hết lũ rồi mới xả sau.

Năm 2018, lũ về 3.500m3/s, nhưng chỉ xả 2000m3/s, lúc xả lũ sông Chu vẫn dưới báo động 1", ông Thủy thông tin.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thuy-dien-co-gay-lu-lut-o-ha-du-3370939/