Thượng Yên Công: Đa dạng các mô hình sản xuất

Xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) không sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên với sự quan tâm đầu tư của thành phố, đến nay phần lớn các diện tích đất nông nghiệp đều được lấp đầy bởi những cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở thôn Nam Mẫu.

Là xã miền núi có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, lên tới gần 5.500ha, thế nhưng do địa hình dốc, vụ đông xuân thường xuyên phải bỏ hoang vì các con suối cạn nước, nên nhiều năm liền việc sản xuất nông nghiệp trong xã gặp không ít khó khăn, chủ yếu chỉ cấy được một vụ.

Nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con, 3 năm nay, TP Uông Bí đã đầu tư nhiều nguồn lực để xây mới các công trình giao thông, kênh mương nội đồng. Đặc biệt, thành phố đã tập trung nghiên cứu, tăng cường quy hoạch quỹ đất nông nghiệp, chuyển đổi các diện tích đất chưa sử dụng thành đất nông nghiệp, vận động người dân dồn điền, đổi thửa, đưa các mô hình kinh tế mới có hiệu quả vào sản xuất, nâng cao giá trị đất.

Mô hình trồng rau an toàn thôn Nam Mẫu 1 và 2.

Theo đó, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án 125 của thành phố về việc phát triển cây trồng tập trung, xã Thượng Yên Công đã tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng thêm 6ha thanh long ruột đỏ, nâng tổng số diện tích lên thành 20ha. Mô hình này ngày càng cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ngoài thanh long ruột đỏ, hiện cây ăn quả như vải, cam, bưởi, mía... cũng đang là loại cây chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân Thượng Yên Công. Tiêu biểu như cây vải tại thôn Khe Sú 1, với tổng diện tích trên 20ha, trung bình mỗi năm, các hộ gia đình thu được từ 50-100 triệu đồng.

Nhận thấy phần lớn diện tích đất tại thôn Nam Mẫu 1 và 2 bị người dân để lãng phí vì đa số các gia đình tập trung vào kinh doanh ăn uống, bán hàng phục vụ khách xung quanh danh thắng Yên Tử, từ năm 2016, xã đã vận động được 30 hộ dân trồng 1,5ha rau an toàn để phục vụ các nhà hàng kinh doanh ẩm thực, tiêu thụ tại các nhà chùa, cơ quan, doanh nghiệp. Do đầu ra ổn định nên các hộ này có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vừa qua, xã đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ làng quê Yên Tử để góp phần hỗ trợ nhân dân bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn một cách ổn định.

Mô hình chăn nuôi bò ở thôn Quan Điền - Khe Thần.

Từ những thành công bước đầu của Đề án 125, năm nay xã Thượng Yên Công đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả còn lại sang trồng các loại cây ăn quả có chất lượng cao như mít, ổi, hồng xiêm, bưởi diễn, bưởi da xanh, na, táo...

Để tạo ra các mô hình mang tính chất sản xuất hàng hóa, UBND xã hỗ trợ 50% cây giống, áp dụng với những hộ gia đình chuyển đổi tối thiểu từ 1.000m2 trở lên và chỉ đăng ký trồng một loại cây nhất định. Đến nay, xã đã vận động được khoảng 30 hộ đăng ký trồng 5ha cây ăn quả có chất lượng cao. Mới đây, xã đã thu hút được 1 doanh nghiệp đầu tư mô hình Thung lũng hoa Yên Tử phục vụ du lịch tham quan trải nghiệm.

Với những cánh đồng rau xanh ngát, những vườn cam trĩu quả, những cây thanh long đầy sức sống, mảnh đất Thượng Yên Công khô cằn ngày nào giờ đang dần nở hoa.

Duy Hoàng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/thuong-yen-cong-da-dang-cac-mo-hinh-san-xuat-2408089/