Vùng đầu nguồn ở An Giang tạo sinh kế khi không có mùa nước về

Hiện, mực nước tại các địa phương đầu nguồn tỉnh An Giang dưới mức báo động 1. Để người dân có thu nhập ổn định không phụ thuộc vào mùa nước, địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chủ động thực hiện các mô hình sinh kế thích ứng với tình trạng không có nước lũ.

Hai năm nay, không có nước từ thượng nguồn đổ về, nước không còn tràn đồng, lượng cá cá, tôm không còn nhiều, ông Huỳnh Văn Tùng, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang không còn khai thác, đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi nữa. Được địa phương hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển đổi nghề, ông đã chuyển sang mô hình nuôi lươn trong bồn. Với 4 bồn nuôi, khoảng 2.000 con lươn, sau gần 7 tháng, ông đã thu lời khoảng hơn 35 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Tùng cho biết: “Thấy mô hình này nuôi cũng đạt, cũng có ăn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bán giá nó này có lời nhưng không nhiều nhưng vẫn ổn hơn và khỏe hơn việc đi đánh bắt cá”.

Sản xuất giống rau trong nhà kính.

Sản xuất giống rau trong nhà kính.

Cũng có hoàn cảnh như ông Tùng, nhưng anh Trần Vũ Phong, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu lại chọn mô hình nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình trong mùa nước thấp. Trong đó, tận dụng những cánh đồng không có nước về, cỏ mọc nhiều, đây là nguồn thức ăn tốt cho loại vật nuôi này. Hiện, chuồng dê của anh có 70 con, lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng gần 100 triệu đồng.

Anh Trần Vũ Phong chia sẻ: “Mọi năm, trong vùng thường có lũ, nhưng hai năm nay lũ đã yếu dần. Những bà con mà sống bằng nghề cá thì có thể chuyển đổi. Thay vì trước đây là lúa thì có thể chuyển đổi thành vườn, nghề cá có thể chuyển đổi về chăn nuôi bình thường. Con dê rất dễ nuôi, đầu ra hơn nuôi trâu, bò”.

Hiện nay, tại thị xã Tân Châu có hàng chục mô hình chăn nuôi, đây là những mô hình được chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ vốn vay, nhằm giúp bà con có sinh kế trong thời gian gần đây khi không có nguồn nước đổ về, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng dưa lưới

Ông Phạm Văn Hải, Phó trưởng phòng kinh tế thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Với mực nước thấp như vậy, địa phương quan tâm đến các hộ nghèo nói chung, những hộ chuyên sống bằng việc câu, lưới trong mùa nước nổi là bằng cách chuyển đổi nghề, chuyển dần khai thác thiên nhiên qua mô hình nuôi, để bà con có công ăn việc làm, tạo ra thu nhập mang tính bền vững hơn”.

Cũng như thị xã Tân Châu, huyện An Phú cũng là địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, vài năm trở lại đây, nước thường về muộn và ở mức thấp nên nguồn lợi thủy sản cũng không còn phong phú. Từ đó, người dân chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rất nhiều mô hình sinh kế cho người dân nông thôn, như: nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, nuôi cá heo nước ngọt trong ao, nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt bằng con giống sinh sản nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp men vi sinh…

Mô hình chăn nuôi dê ở thị xã Tân Châu.

Ngoài việc triển khai, hỗ trợ nông dân chuyển đổi các mô hình sinh kế khi nước về thấp, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, không phù hợp điều kiện sang mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau thủy canh, nuôi lươn trong bể, trồng nấm rơm, trồng dưa lưới trong nhà kính… Mặc dù đã đạt hiệu quả trong sản xuất, tuy nhiên hiện nay, những sản phẩm nông nghiệp này vẫn khó khăn về đầu ra tiêu thụ.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Trong thời gian tới, để phát huy kinh tế nông nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nạo vét kênh mương, làm giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Đặc biệt, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ nông sản hàng hóa, để giúp cho người nông dân giải quyết được vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người dân”.

Mấy năm gần đây, tỉnh An Giang đã có kế hoạch chuyển đổi sinh kế cho người dân để người dân không còn phải phụ thuộc vào nước nổi.

Mấy năm gần đây, tỉnh An Giang đã có kế hoạch chuyển đổi sinh kế cho người dân để người dân không còn phải phụ thuộc vào nước nổi. Thay vì đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản thì nay người dân chuyển sang nuôi trồng, chủ động cung cấp thực phẩm cho thị trường, hỗ trợ chế biến và có cơ sở vững chắc để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trong diễn biến mùa nước ngày càng thất thường, nhiều mô hình gặp khó khăn, thách thức như: không phải người dân nào cũng đủ điều kiện để chuyển đổi; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; năng suất, chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ các sản phẩm chuyển đổi chưa ổn định…các ngành chức năng và địa phương cần đánh giá tính phù hợp của các mô hình, nghiên cứu những loại hình sinh kế mới và xem xét chuyển đổi đối với các mô hình không còn phù hợp; cần phải đúc kết, xây dựng quy trình sản xuất thích ứng, phổ biến cho nông dân áp dụng và nhân rộng; bên cạnh đó, được hỗ trợ về kiến thức, về vốn... Ngoài ra, sinh kế mùa lũ nhưng cũng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nên đơn thuần dựa vào tự nhiên.

Năm nay không còn cảnh nước lũ tràn đồng như thế này.

Để những mô hình sinh kế phát huy hiệu quả hơn, TS Trần Hữu Hiệp, Giảng viên Trường Đại học FPT cho rằng: “Mô hình sinh kế cho người nông dân hiện nay có rất nhiều, nhưng mỗi mô hình lại khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải quy hoạch rồi gắn với mô hình đó, cụ thể hóa để mô hình đó phù hợp với từng vùng, để nâng cao giá trị. Đối với nông dân học nhanh về kỹ thuật thì tốt, nhưng điểm yếu của nông dân là tiếp cận theo thị trường, làm ra không biết bán cho ai, nhiều người rất lúng túng. Cho nên, vấn đề là cần phải cụ thể hóa đối với những người nông dân, chứ chỉ mỗi kiến thức của nông dân không thôi thì rất khó”.

Những mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và tình trạng không có mùa nước về nói riêng là những mô hình, cách làm thích ứng. Tuy nhiên, những mô hình này chỉ thành công phần lớn là áp dụng cho hộ gia đình cá thể nhỏ lẻ. Để mô hình được tiếp tục phát triển, nhân rộng, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp khả thi hơn; người nông dân cần được hỗ trợ về kiến thức, về vốn... Đặc biệt, cần sự liên kết trong các HTX, các doanh nghiệp để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm…giúp nông dân thích ứng trong điều kiện mùa nước kém./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-dau-nguon-o-an-giang-tao-sinh-ke-khi-khong-co-mua-nuoc-ve-896454.vov