Thường vụ Quốc hội thống nhất sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư PPP

Thảo luận về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào chiều nay, 16/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sớm trình Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Luật Đầu tư PPP chiều 16/9 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Luật Đầu tư PPP chiều 16/9 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí

Qua hơn 20 năm áp dụng đầu tư PPP, hiện cả nước có 336 dự án PPP, trong đó, 140 dự án BOT, 188 dự án BT.

“Các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải... kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự án PPP đã góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân. Nhờ đó, năm 2017, chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 79, tăng 2 bậc so với năm 2014, tăng 16 bậc so với năm 2012, tăng 44 bậc so với năm 2010, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

“Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập, đặc biệt đối với dựa án BOT giao thông như hầu hết dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án; khâu công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai; công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo; bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí; thiếu quy định về trình tự, hình thức tham vấn của chính quyền địa phương với các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Còn đối với dự án BT thanh toán bằng quỹ đất, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập tương tự như dự án BOT giao thông nêu trên. Ngoài ra, việc xác định giá trị quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội.

Để khắc phục các hạn chế kể trên, khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Luật Đầu tư PPP là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật Đầu tư PPP, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

“Nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế thì việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là cần thiết và phù hợp. Do đó, đối với các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP cần có định hướng thu hút đầu tư gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên đầu tư quốc gia, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp”, ông Thanh cho biết.

Mở cánh cửa huy động vốn ngoài xã hội

Theo Dự luật thì có 8 nhóm lĩnh vực sẽ được đầu tư PPP, gồm giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; hệ thống cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị; công viên; trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin; và các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với 7 nhóm lĩnh vực khuyến khích đầu tư PPP được luật hóa vì trên thực tế các lĩnh vực này hiện đang được đầu tư theo phương thức PPP. “Đây là Luật Đầu tư PPP chứ không phải là Luật Đối tác công tư nên phải thu hẹp phạm vi lĩnh vực đầu tư theo phương thức này. Tuy nhiên, tôi băn khoăn ở “quy định quét” là các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không quy định cụ thể về nguyên tắc đầu tư PPP thì với quy định này sẽ có rất nhiều lĩnh vực khác được đầu tư theo phương thức PPP”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh băn khoăn về quy định PPP chỉ đầu tư vào dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng vì trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội có rất nhiều dự án có tổng mức đầu tư dưới mức này. “Tại sao chỉ có dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ trở lên mới được đầu tư PPP còn dưới ngưỡng này lại không làm?”, bà Thúy Anh đặt câu hỏi.

Cũng như tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga cho rằng Luật Đầu tư PPP rất phức tạp, động chạm đến rất nhiều luật chuyên ngành khác như đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường… nhưng cần sớm ban hành vì trên thực tế, đầu tư PPP vào lĩnh vực giao thông hiện nay cả doanh nghiệp, người dân lẫn Nhà nước đều không hài lòng.

“Doanh nghiệp thì kêu lỗ vốn, người dân thì phản ứng về việc phải trả tiền mỗi khi tham gia giao thông vào đường BOT, còn cơ quan thanh tra, kiểm toán thì phát hiện ra thất thoát, lãng phí đối với hầu hết dự án BOT giao thông”, bà Nga nói.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, ông Phan Thanh Bình thì đây là luật rất quan trọng, rất phức tạp, phải sớm ban hành nhưng phải thiết kế hết sức chặt chẽ, nếu không Nhà nước và người dân sẽ nằm ở phần bất lợi so với nhà đầu tư. Ông Bình hy vọng, khi Luật Đầu tư PPP được ban hành sẽ mở toang cánh cửa huy động vốn ngoài xã hội và vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Mạnh Bôn/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/thuong-vu-quoc-hoi-thong-nhat-som-trinh-quoc-hoi-thong-qua-luat-dau-tu-ppp-279036.html