Thương vụ mua bán than trái chỉ đạo của Thủ tướng: Hoành Sơn 'khủng' cỡ nào?

Hoành Sơn- một cái tên đang gây rất nhiều sự chú ý khi có thể khiến PVN 'phớt lờ' các văn bản quy định của Bộ Công thương để tìm đường cho gần 800.000 tấn than không rõ nguồn gốc vào nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Bất chấp chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và quy định của bộ Công Thương, PVN và nhiều đơn vị khác đã tìm mọi cách làm trái, mua tới gần 800.000 tấn than nhập khẩu và nội địa từ Công ty Hoành Sơn.

Kết luận thanh tra về vi phạm liên quan đến việc mua bán, quản lý và sử dụng than để vận hành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (NMNĐ) giai đoạn 2015-2016 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký đã "xướng tên" các đơn vị, bao gồm: Tổng cục Năng lượng; Cục điều tiết Điện lực; PVN; ban QLDA; PV Power; công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Trong bản kết luận nêu rõ, PVN đã có sai phạm, thiếu sót trong việc chỉ đạo ban QLDA làm việc và ký hợp đồng mua than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Điều này cũng khiến dư luận hoài nghi, đặt dấu hỏi về việc có chăng và bằng cách nào mà Hoành Sơn đã qua mặt Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, hay có "bàn tay quyền lực" để các doanh nghiệp tư nhân "có thể" tham gia vào việc mua bán than cho dự án trái với chỉ thị của Thủ tướng?

Hoành Sơn là tập đoàn có tiếng ở Hà Tĩnh do ông Phạm Hoành Sơn thành lập vào năm 2001. Trong năm 2016, để thực hiện một loạt thương vụ thâu tóm "khủng", Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã tiến hành tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Trong đó ông Phạm Hoành Sơn góp 2.375 tỷ đồng, tương đương 95%. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 100 tỷ đồng (4%).

Hoành Sơn có hai công ty con lớn. Một là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do ông Phạm Hoành Sơn đứng tên chủ tịch. Doanh nghiệp thành lập vào đầu năm 2016 này chính là pháp nhân đã mua vào 46 triệu cổ phần để chi phối Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) vào giữa năm ngoái.

Đơn vị con còn lại của Hoành Sơn là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng được thành lập vào tháng 4/2011, do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn góp 92% (460 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn, đơn vị do bà Nguyễn Thị Hằng Nga – vợ ông Sơn sở hữu – góp 20 tỷ đồng, tương ứng 4% vốn điều lệ doanh nghiệp. 4% còn lại được góp bởi bà Phạm Ngọc Hà – em gái ruột của ông Sơn.

Nhắc đến Hoành Sơn, không ít người nhận ra đây là doanh nghiệp đã từng vượt mặt nhiều "ông lớn" bất động sản để thâu tóm mảnh đất vàng Hà Nội gần 6ha tại CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), địa chỉ ở 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Theo đó, Hoành Sơn sẽ chi 435 tỷ đồng để hỗ trợ SRC di dời nhà máy Cao su Sao Vàng tại 231 Nguyễn Trãi về khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam. Cao su Sao Vàng cùng Hoành Sơn sẽ thành lập Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm TTTM- Dịch vụ- Văn phòng- Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại 231 Nguyễn Trãi.

Được biết, khu đất của SRC tại 231 Nguyễn Trãi có diện tích 6 ha do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vì vậy SRC không thể bán đứt đoạn cho Hoành Sơn mà phải lách luật dưới hình thức hợp tác kinh doanh.

Với vị trí "vàng", mảnh đất tại 231 Nguyễn Trãi từ lâu đã được dòm ngó bởi không ít đại gia bất động sản, sau khi UBND TP. Hà Nội có chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại đô. Từng xuất hiện nhiều tin đồn rằng những tập đoàn tên tuổi sẽ không tiếc tay đổ tiền thâu tóm mảnh đất trên.

Bởi vậy, việc Hoành Sơn – một tập đoàn gần như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản – vượt mặt những tên tuổi khác để sở hữu mảnh đất trên không khỏi khiến nhiều người tò mò về doanh nghiệp này.

Việc Hoành Sơn trả giá cao nhất là 435 tỷ đồng để thâu tóm khu đất vàng trên dấy lên câu hỏi ai là chủ sở hữu doanh nghiệp nói trên mà có thể chi bạo tay như vậy. Vì không chỉ chi 435 tỷ đồng cho SRC mà Hoành Sơn sẽ còn phải chi một lượng tiền rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng để có thể triển khai dự án trung tâm thương mại, nhà ở.

Theo thông tin từ báo chí truyền thông, Công ty Hoành Sơn có mối lương duyên và quan hệ rất "đặc biệt" với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đó là vào năm 2016, Hoành Sơn thực hiện một thương vụ đình đám khác, khi thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, bỏ ra 460 tỷ đồng mua toàn bộ 46 triệu cổ phiếu phát hành của Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) – đơn vị trước đó đang là thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN).

Cảng Phước An

Trong năm 2017, kế hoạch đầu tư dự kiến của Cảng Phước An ở vào khoảng 1.484 tỷ đồng, trong đó chỉ có 445 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, 1.039 tỷ đồng còn lại là vốn vay.

Kết quả kinh doanh èo uột, Hoành Sơn vẫn không ngừng rót vốn vào Cảng Phước An. Nếu kế hoạch phát hành thêm 20 triệu CP thành công, Tập đoàn này sẽ nắm giữ 61,8% CP của PAP trong khi PVN giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 31,82%. Điều mà Hoành Sơn nhắm vào không gì khác là các dự án trị giá trăm, nghìn tỷ mà Cảng Phước An sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, đã gần hết năm 2017 nhưng tình hình kinh doanh của Cảng Phước An vẫn chưa có gì khả quan. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến của Công ty dự kiến lần lượt ở mức 34,27 tỷ đồng và 740 triệu đồng.

Thâu tóm PAP, mục tiêu của Hoành Sơn chắc hẳn không gì khác là nhắm tới siêu dự án Cảng Phước An tại Đồng Nai với tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng, nằm ở thượng lưu sông Thị Vải – Cái Mép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009.

Được biết, Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn cũng được các Bộ ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh giao nhiệm vụ trọng trách làm chủ đầu tư dự án công trình cấp nước đa mục tiêu cho toàn bộ Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh. Trong đó, phải nói đến một số dự án đầu tư trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng như: dự án cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy luyện thép công suất 22 triệu tấn/năm, hệ thống cầu cảng, thuộc Tập đoàn Formosa; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, 2 với công suất 3.000 Mw/năm; nhà máy chế biến súc sản…Đồng thời, cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho hàng chục vạn công nhân, nông dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh và các địa phương trong khu vực với tổng mức đầu tư tổng thể lên tới trên 4.500 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng chính là đơn vị được UBND tỉnh Hà Tĩnh dưới thời cựu Chủ tịch Võ Kim Cự giao đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.

Liên quan tới dự án này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ làm rõ việc đội vốn từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng, và làm rõ việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định thầu cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng mặc dù đây là công trình có sử dụng vốn ngân sách.

Đã từng có thời điểm, Hoành Sơn tự tin là một doanh nghiệp hàng đầu, luôn vững vàng trên mọi thế trận. Vậy, sự tự tin đó xuất phát từ đâu, hay từ sự "kết nối" với những "bàn tay vô hình" đằng sau đó?

Hoàng Dung (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/thuong-vu-mua-ban-than-trai-chi-dao-cua-thu-tuong-hoanh-son-khung-co-nao-213070.htm