Thương vụ M&A thất bại chưa hẳn vì tiền

Mua bán và sáp nhập (M&A), gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) với nhà đầu tư trong và ngoài nước thường được xem là cuộc hôn nhân, quan trọng nhất không hẳn ở định giá thương vụ mà là thuận mua vừa bán.

Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "M&A và gọi vốn, tận dụng cơ hội, phát triển và dẫn đầu" do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB DN dẫn đầu phối hợp cùng Công ty Grant Thornton Việt Nam tổ chức ngày 7-6, tại TP HCM.

Thương vụ đầu tư của VinaCapital vào Công ty CP Ba Huân vào năm 2018 gặp thất bại thường được giới đầu tư nhắc đến như một trường hợp điển hình của M&A Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thương vụ đầu tư của VinaCapital vào Công ty CP Ba Huân vào năm 2018 gặp thất bại thường được giới đầu tư nhắc đến như một trường hợp điển hình của M&A Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Báo cáo triển vọng đầu tư tư nhân năm 2019 của Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Trong đó, 6 nhóm ngành hấp dẫn đầu tư trong 12 tháng tới gồm công nghệ, tài chính, giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thương mại điện tử và giao nhận. Trước đó, năm 2018, Việt Nam là 1 trong 3 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất khu vực, đồng thời cũng là 1 trong 4 thị trường dẫn đầu về số lượng thương vụ và giá trị đầu tư tại khu vực Đông Nam Á, với 38 thương vụ, đạt giá trị 1,6 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, M&A và gọi vốn từ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước ngày càng phổ biến, được nhiều DN lựa chọn, bên cạnh những kênh huy động vốn truyền thống như ngân hàng… Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ tư vấn DN Công ty Grant Thornton Việt Nam, cho biết thách thức đối với nhà đầu tư trong quá trình M&A là định giá quá cao và thiếu cơ hội đầu tư hấp dẫn; mức độ chấp thuận của chủ sở hữu DN tư nhân với nhà đầu tư quá thấp. "Kết quả khảo sát đầu tư tư nhân năm 2019 cho thấy rất nhiều nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại đáng kể đối với sự thiếu nhất quán trong các quy định và thủ tục đầu tư, cũng như vấn đề tham nhũng. Đồng thời, sự thiếu minh bạch trong thông tin của DN là yếu tố chính gây nên sự thất bại của các thương vụ" - bà Châu dẫn chứng.

Tại tọa đàm, nhiều DN băn khoăn về nguyên nhân khiến các giao dịch gọi vốn, M&A không thành công. Đại diện Công ty Thực phẩm Nước giải khát Lai Phú (TP HCM) đưa ra những lý do thông thường khiến cuộc gọi vốn không thành công, như định giá quá cao, sự minh bạch của DN gọi vốn và câu chuyện 2 sổ sách kế toán của DN hiện nay.

Bà Ðặng Phạm Minh Loan, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho rằng M&A giống như một cuộc "hôn nhân" mà lý do DN chọn nhà đầu tư là họ cần tiền, sức mạnh tài chính để vượt lên đối thủ, tận dụng cơ hội thị trường hoặc cần áp lực để quyết liệt hơn trong điều hành… "Khi DN thật sự cần vốn để phát triển, thật sự thấy đối tác hỗ trợ phát triển sẽ không đặt định giá thương vụ lên hàng đầu" - bà Loan nhấn mạnh.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/thuong-vu-ma-that-bai-chua-han-vi-tien-20190607211715638.htm