Thương vụ 'lùm xùm' Grab mua Uber dưới góc độ Luật cạnh tranh

Singapore và Philippines đã tuyên bố vụ Grab mua Uber ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh trên thị trường và đã ra các quyết định xử phạt. Còn tại Việt Nam, thương vụ trên dưới góc độ Luật cạnh tranh được nhìn nhận như thế nào?

Vụ M&A thay đổi thị trường vận tải Đông Nam Á

Tháng 3/2018, Uber đã chính thức rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á bằng việc bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường này cho Grab để đổi lấy 27% cổ phần của Grab. Ngay sau khi vụ M&A được công bố, cơ quan cạnh tranh các nước khu vực Đông Nam Á đã vào cuộc để xem xét ảnh hưởng vụ M&A đến thị trường vận tải của từng nước. Singapore và Philippines đã tuyên bố vụ M&A ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh trên thị trường và đã ra các quyết định xử phạt.

Thương vụ Grab mua Uber đã thay đổi thị trường vận tải tại Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Thương vụ Grab mua Uber đã thay đổi thị trường vận tải tại Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã khởi động quá trình điều tra đối với Grab & Uber (gọi chung là Grab) theo Luật cạnh tranh 2004. Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm bao gồm hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh; và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh. Hiện nay, Cục CT&BVNTD đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh - Linh hồn của thị trường

Thị trường đơn giản là …cái chợ. Nguyên tắc là nếu trong chợ có nhiều người bán, thì người mua có nhiều lựa chọn. Đương nhiên để có khách hàng, người bán phải giảm giá, bán hàng phải chất lượng. Nếu vì một lý do nào đó mà chỉ có một người bán, thì những thứ thú vị ở trên sẽ chấm hết.

Vai trò của pháp luật cạnh tranh là phải bảo đảm cho chợ có nhiều người bán và bảo vệ người mua. Một cách tự nhiên, việc xuất hiện một người bán quá mạnh (ví dụ thông qua việc tâp trung kinh tế như M&A) trên thị trường sẽ làm giảm cạnh tranh và gây thiệt hại cho cả người mua (người tiêu dùng) và người bán khác. Do vậy, các giao dịch này sẽ bị cấm khi gây tổn hại đến cạnh tranh. Theo qui định của Luật cạnh tranh 2004 thì yếu tố tổn hại đến cạnh tranh được xác định dựa trên tiêu chí duy nhất là thị phần. Theo đó, trong một vụ tâp trung kinh tế, nếu tổng thị phần của hai doanh nghiệp liên quan bé hơn 30% thì các giao dịch sẽ được được tự do thực hiện; nếu thị phần tổng hợp từ 30% - 50% phải thông báo trước cho Cục quản lý Cạnh tranh khi tiến hành; còn nếu thị phần tổng hợp trên 50% thì các hành vi tập trung kinh tế sẽ bị cấm.

Grab mua Uber có phải là tập trung kinh tế?

Để xác định hoạt động tập trung kinh tế được tự do, bị kiểm soát hay bị cấm thì theo qui định của Luật cạnh tranh 2004 thì giao dịch M&A đó phải được xác định là tập trung kinh tế theo qui định tại Điều 16 của luật này. Cụ thể, có năm 5 hình thức được coi là tập trung kinh tế, bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp, liên doanh và các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Trong ba 3 lĩnh vực có liên quan là pháp luật doanh nghiệp, pháp luật về giao thông vận tải và pháp luật về công nghệ thông tin, tính đến thời điểm tiến hành giao dịch, không có bất kì định nghĩa nào khác về tập trung kinh tế. Do vậy, chỉ có hành vi mua lại doanh nghiệp là có vẻ có liên quan đến vụ việc.

Theo hướng dẫn của Điều 34 Nghị định 116/2005/NĐ-CP thì mua lại doanh nghiệp được hiểu là một doanh nghiệp giành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khác đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát. Bản chất của quy định này là việc nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp mua lại.

Liệu Grab có thoát khỏi Luật cạnh tranh? (Ảnh minh họa)

Nhìn từ góc độ M&A, đây là một cấu trúc phức tạp. Cấu trúc giao dịch không thuần là một giao dịch hoán đổi cổ phiếu. Bởi hệ quả của giao dịch không mang lại quyền sở hữu cổ phiếu cho Grab. Nếu xét từ bản chất, đây là một giao dịch mua tài sản, trong đó có hai biến tấu quan trọng là toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á được hiểu là toàn bộ khách hàng, cơ sở dữ liệu người dùng, đội ngũ vận hành và các yếu tố bổ trợ khác, hình thành nên tài sản chuyển nhượng; và bên mua không thanh toán bằng tiền mà thanh toán bằng cổ phiếu của chính mình. Kết quả của giao dịch này, giúp cho Grab loại bỏ một đối thủ lớn, mở rộng thị trường, trong khi đó Uber được 27% cổ phần của Grab.

Dù nắm 27% cổ phần của Grab, nhưng xét trong khuôn khổ rất giới hạn của Điều 16 Luật cạnh tranh 2004 và hướng dẫn của Điều 34 NĐ 116, Uber không đủ để kiểm soát Grab. Trong khi đó Grab lại không sở hữu cổ phần của Uber, nên họ không có quyền biểu quyết trong các cơ quan quản lý của Uber. Kết quả là, giao dịch Grab-Uber không thỏa mãn yếu tố là một giao dịch mua lại. Như vậy, giao dịch Grab-Uber không phải là hoạt động tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2004.

Liệu Grab có thoát khỏi Luật cạnh tranh?

Thực tế, vụ M&A giữa Grab và Uber có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường vận tải tại Việt Nam. Bởi sau khi Uber rời khỏi Việt Nam, mặc dù thị trường xuất hiện thêm một vài doanh nghiệp khác nhưng về cơ bản, quy mô và lợi thế cạnh tranh đều không thể so sánh được với Grab. Cái thiếu sót của Luật cạnh tranh 2004 là chỉ lấy thị phần làm căn cứ duy nhất và liệt kê các hành vi được coi là tập trung kinh tế tại Điều 16. Nói cách khác, Luật cạnh tranh 2004 đã không đủ bao quát tất cả các giao dịch ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh mà vụ Grab đang đề cập ở đây là một ví dụ. Tính đến thời điểm diễn ra giao dịch M&A của Grab và Uber, Luật cạnh tranh 2004 vẫn đang có giá trị pháp lý.

Phạm Hoài Huấn

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/521/thuong-vu-lum-xum-grab-mua-uber-duoi-goc-do-luat-canh-tranh-355783.html