Thương vụ Grab mua lại hoạt động Uber tại Đông Nam Á có thể phải điều chỉnh

Theo TechinAsia, nhiều khả năng các điều khoản trong hợp đồng thương vụ Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á sẽ phải điều chỉnh để tránh việc vi phạm quy định tại một số nước.

Ảnh minh họa.

Đã 3 tuần kể từ khi thông tin về thương vụ này phát đi, tại nhiều nước Uber đã ngừng hoạt động. Đi kèm với việc rút lui của Uber khỏi Đông Nam Á, startup đi chung xe này còn nhận được 27,5% cổ phần của Grab.

Tuy nhiên cơ quan chức năng của nhiều nước đã cảm thấy “có vấn đề” về cạnh tranh của thỏa thuận này. Singapore, Malaysia, Việt Nam, Phillipines đã tuyên bố chính thức điều tra về thương vụ.

Cuối tuần trước, cơ quan Giám sát chống độc quyền của Singapore đã ra lệnh lùi thời hạn sáp nhập dịch vụ của Uber vào Grab tới tháng 5 để điều tra về độc quyền.

TechinAsia dẫn lời một số chuyên gia công nghệ tại châu Á, cho rằng thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ không thể hủy bỏ.

Nhưng cơ quan quản lý có thể buộc liên minh “Gruber” phải điều chỉnh lại thỏa thuận vì thị phần sau khi sáp nhập 2 dịch vụ gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng thị trường.

Tại Singapore, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng nước này đã công bố điều tra thương vụ từ ngày 30/3 và đề xuất các biện pháp tạm thời để Uber và Grab phải tạm dừng việc sáp nhập.

Lúc này tại Singapore, cả Uber và Grab vẫn phải hoạt động bình thường như trước đây và không được điều chỉnh giá cước, không được trao đổi thông tin mật với nhau.

Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi: “Liệu cả 2 công ty đã thật sự chuẩn bị cẩn thận trước khi thực hiện thương vụ không?”

Chỉ riêng việc sáp nhập 2 doanh nghiệp mà không thông báo để Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng đã vi phạm luật tại Singapore, liên quan đến điều luật cấm các giao dịch gây ra giảm cạnh tranh trên thị trường.

Nếu báo cáo trước cho các cơ quan chức năng, việc xem xét các điều kiện liên quan đến luật sẽ do cơ quan chức năng thực hiện và cấp phép.

Ngược lại nếu không thông báo, Ủy ban này được phép can thiệp vào thương vụ trong giai đoạn đã công bố hoặc đã thực hiện sau. Điều này khiến cho chi phí của thương vụ tăng lên rất nhiều.

Trong khi đó Malaysia không có các quy định kiểm soát sáp nhập cụ thể như Singapore, Việt Nam hay Phillipines. Vấn đề tại nước này lại là chia sẻ thông tin chống cạnh tranh giữa 2 công ty.

Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004.

Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Trong trường hợp nếu thị phần kết hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/thuong-vu-grab-mua-lai-hoat-dong-uber-tai-dong-nam-a-co-the-phai-dieu-chinh-3445082.html