Thương vong lớn, vì sao Syria chưa dùng 'rồng lửa' S-300 trả đũa Israel?

Iran và Syria được cho là nhận tổn thất lớn trong đợt không kích của Israel hôm 20.1 và điều đáng chú ý là 'rồng lửa' S-300 vẫn chưa thực chiến.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300.

Theo Jerusalem Post, quân đội Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không Pantsir và Buk-M2 đánh chặn các tên lửa Israel hôm 20.1. Phía Israel thông báo thương vong bên phía Syria và Iran là 11 người.

Ít nhất một quả tên lửa Delilah đã phá hủy xe phóng Pantsir một ngày sau đó, theo video do Israel công bố.

Nhưng vì sao quân đội Syria vẫn chưa sử dụng tên lửa S-300, dù đã nhận hệ thống này từ Nga hồi tháng 10.2018.

Sự im lặng của S-300 được coi là một bí ẩn phủ bóng đen lên nguy cơ xung đột đẫm máu ở Trung Đông, theo JPost. Ngoài S-300, Nga cũng cấp cho Syria các hệ thống tác chiến điện tử mới, được cho là đủ sức kiểm soát khu vực “gần” 50km và “xa” 200km.

Tính đến nay, Israel đã không dưới 3 lần không kích các mục tiêu Syria và Iran nhưng “rồng lửa” S-300 thì vẫn chưa ra trận.

Báo Israel đặt câu hỏi rằng liệu có phải kíp lái S-300 chưa thực sự sẵn sàng? Nhưng truyền thông Syria hồi tháng 11 tuyên bố cả 3 tổ hợp S-300 PMU-2 đã được đưa vào thực chiến.

S-300 là một trong những tên lửa phòng không được đánh giá cao nhất hiện nay.

Giới quan sát cho rằng vấn đề không nằm ở chỗ tổ hợp S-300 không hoạt động hiệu quả. Một chuyên gia lý giải rằng S-300 là để đáp trả mối đe dọa tên lửa đạn đạo và máy bay đối phương, không phải để đánh chặn đạn tên lửa.

Các chiến đấu cơ F-16 của Israel luôn phóng tên lửa tầm xa từ bên trong lãnh thổ hoặc lãnh thổ của quốc gia khác nên rất khó để Syria có thể can thiệp, chuyên gia này nhận định.

Một lý do khác là Syria chưa muốn vội dùng “rồng lửa” S-300 vì nếu tính toán sai, đây không chỉ là thất bại đối với quân đội Syria mà còn khiến Nga “muối mặt”.

Giới quan sát đang rất chú ý đến điểm nóng Syria, bởi đó không chỉ là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, mà còn là cơ hội để các hệ thống chiến đấu, phòng thủ tối tân nhất có cơ hội tham chiến.

Một bên là vũ khí Israel với công nghệ phương Tây và một bên là vũ khí Nga. Trong quá khứ, Israel đã đánh bại hoàn toàn liên minh Ả Rập sử dụng vũ khí Nga trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967.

Đăng Nguyễn - JPost

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/thuong-vong-lon-vi-sao-syria-chua-dung-rong-lua-s-300-tra-dua-israel-950060.html