Thượng viện bác quyền phủ quyết của Trump về dự luật quốc phòng

Hôm 2-1, Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải hứng chịu sự chỉ trích gay gắt tại Thượng viện Mỹ khi các thành viên đảng Cộng hòa hiệp đồng cùng đảng Dân chủ để bác quyền phủ quyết của ông liên quan đến dự luật chính sách quốc phòng mà ông phản đối trước đó.

Gặp nhau trong một phiên họp hiếm hoi của ngày đầu năm mới 1-1 (giờ địa phương), các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 81-13, đảm bảo đa số 2/3 cần thiết để vượt qua quyền phủ quyết của ông Trump.

Trong khi đó, Thượng viện cũng đã kết thúc việc các đảng viên Dân chủ thúc đẩy tăng chi phiếu cứu trợ tài chính COVID-19 từ 600USD lên 2.000USD, một thay đổi mà Trump tìm kiếm.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders một lần nữa tham gia cùng đảng Dân chủ trong nỗ lực buộc bỏ phiếu về các khoản thanh toán cao hơn cho người dân, nhưng đã bị chặn bởi các đảng viên Cộng hòa.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phần lớn đã đứng về phía tổng thống trong nhiệm kỳ đầy biến động của ông ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên, kể từ khi Trump thua trong cuộc tái tranh cử vào tháng 11, Trump đã chỉ trích họ vì đã không hoàn toàn ủng hộ những tuyên bố không được ủng hộ của ông về hành vi gian lận bầu cử, và từ chối yêu cầu của ông đối với việc tăng khoản tiền cứu trợ COVID-19.

Không gian bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Không gian bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát hồi đầu tuần đã bỏ phiếu để vượt qua quyền phủ quyết của Trump. Tổng thống có quyền phủ quyết dự luật đã được Quốc hội thông qua, nhưng các nhà lập pháp có thể giữ nguyên dự luật nếu hai phần ba số phiếu của cả hai viện bỏ phiếu bác bỏ quyền phủ quyết của Trump.

Đạo luật Cấp quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 740 tỷ USD quy định mọi thứ, từ số lượng tàu được mua đến tiền lương trả cho binh lính và cách giải quyết các mối đe dọa địa chính trị.

Trump từ chối ký thành luật vì nó không bãi bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý nhất định đối với các nền tảng truyền thông xã hội và điều khoản tước tên các tướng lĩnh Liên minh miền Nam (phe ủng hộ sử dụng nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ) khỏi các căn cứ quân sự.

“Chúng tôi đã thông qua luật này 59 năm liên tiếp. Và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ hoàn thành NDAA thường niên lần thứ 60 và thông qua nó thành luật trước khi Quốc hội kết thúc vào Chủ nhật” - Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết trước cuộc bỏ phiếu.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong khi đó cáo buộc tổng thống sử dụng những tuần tại vị cuối cùng của mình để "gieo rắc hỗn loạn”, đồng thời thúc giục ông "chấm dứt hành động phá hoại tuyệt vọng và nguy hiểm của mình”.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell (đeo khẩu trang) - Ảnh: Reuters

Dự luật cũng sửa đổi các quy tắc chống rửa tiền và cấm các công ty ẩn danh, một chiến thắng cho các nhóm thực thi pháp luật và nhân quyền vốn từ lâu đã tìm kiếm những thay đổi để giúp giám sát dòng tiền bất hợp pháp dễ dàng hơn.

Các quy tắc yếu kém của Mỹ về việc tiết lộ chủ sở hữu công ty đã cho phép tội phạm sử dụng các pháp nhân để chuyển tiền mặt của họ trên khắp Thế giới.

Dự luật quốc phòng lần này cũng hạn chế khả năng của Trump trong việc rút ngay tất cả binh lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan.

Biện pháp này yêu cầu Trump phải đệ trình bảng “đánh giá toàn diện, liên ngành về các rủi ro và tác động” trước khi muốn giảm quân số ở nước này.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thuong-vien-my-bac-quyen-phu-quyet-cua-trump-doi-voi-du-luat-quoc-phong_105384.html