Thượng úy, nghệ sĩ Duy Hưng: Khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND qua điệu múa

Sở hữu khuôn mặt điển trai, thân hình đẹp, nhanh nhẹn, Thượng úy, nghệ sĩ Duy Hưng, diễn viên múa Nhà hát Công an nhân dân (CAND) đã khắc họa sinh động hình ảnh người chiến sĩ CAND qua những điệu múa mềm mại, uyển chuyển.

Anh mong muốn và hy vọng từ những đóng góp trong nghệ thuật của mình, người dân thêm hiểu hơn về công việc của người chiến sĩ CAND mà ở đó có những khó khăn, vất vả, hy sinh không phải ai cũng biết, cũng thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia.

Khổ luyện và khổ luyện

Tôi gặp nghệ sĩ Duy Hưng trong buổi chiều đầu tháng 8 khi anh vẫn còn lâng lâng trong cảm xúc khi cùng Nhà hát CAND giành giải Xuất sắc với vở nhạc kịch “Người cầm lái” trong Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 2) tổ chức tại Đắk Lắk tháng 6 vừa qua.

Và rồi trong cuộc trò chuyện, tôi còn biết anh đã góp nhiều công sức trong các vở diễn tham gia Liên hoan, Hội diễn và các nhiệm vụ chính trị khác của Nhà hát CAND, như: Tác phẩm múa “Giao ban an ninh biên giới Việt - Lào” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan tiếng hát “Đường 9 xanh” - năm 2013; Vở kịch múa “Lêkima đỏ” giành Huy chương Vàng tại Liên hoan múa quốc tế - năm 2014; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì “Đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu tổ chức chương trình “Lá chắn bình yên”; sơ kết phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng CAND - Lá chắn phòng, chống đại dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội” - năm 2022…

Thượng úy, nghệ sĩ Duy Hưng.

Thượng úy, nghệ sĩ Duy Hưng.

Sinh ra ở vùng đất Thái Hòa (Nghệ An) trong một gia đình yêu văn hóa nghệ thuật đã giúp Duy Hưng có thêm niềm tin, chỗ dựa vững chắc để gắn bó với nghệ thuật. Từng thử sức với các bộ môn nghệ thuật, như hát, chơi ghita… nhưng Hưng cảm thấy hợp nhất với múa. Để theo đuổi đam mê cần được đào tạo bài bản, nghĩ vậy nên năm 2005, Hưng rời quê hương ra Hà Nội theo học tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Sau 4 năm miệt mài, khổ luyện, tháng 6/2009 anh thi tuyển về Đoàn Ca múa nhạc CAND (nay là Nhà hát CAND) và chính thức đeo quân hàm Trung sĩ vào năm 2011.

Để có được những tiết mục biểu diễn như “chim công” trên sân khấu, người nghệ sĩ phải khổ luyện không ngừng, phải đổ mồ hôi và có thể là máu. Như trong múa solo, bạn diễn nam phải có cùng hơi thở, nhịp điệu, nếu không kịp bê đỡ trên cao thì rất dễ rơi xuống đất gây chấn thương. Nhẹ có thể bị trật khớp, nặng có thể… từ giã sự nghiệp. “Trong nghệ thuật múa, diễn viên không chỉ thể hiện qua đôi chân, đôi tay mà còn phải qua hơi thở, qua gương mặt truyền tải được thông điệp đến khán giả. Bởi thế nghệ sĩ phải dẻo dai, kiên trì và phải có sức khỏe thật tốt”, nam nghệ sĩ bộc bạch.

Thêm yêu nghề hơn sau mỗi chuyến đi

Bên cạnh những buổi biểu diễn trên sân khấu sang trọng có ánh đèn rực rỡ, thì trong rất nhiều chuyến công tác sân khấu của các nghệ sĩ Nhà hát CAND là nền đất, trên mặt sỏi, đá và không gian giữa núi rừng, thôn bản heo hút... Hơn 10 năm gắn bó với Nhà hát, Duy Hưng tự hào được đi biểu diễn ở khắp các miền biên cương mà mỗi chuyến công tác là một kỷ niệm không thể nào quên. Mỗi chuyến đi với tình cảm nồng ấm, sâu nặng mà bà con dành tặng đã khiến anh thêm yêu hơn, trách nhiệm hơn với công việc mà mình đang được giao nhiệm vụ. Anh luôn nghĩ rằng, đó là việc mình đã làm “mềm” hóa, nghệ thuật hóa hình tượng người chiến sĩ Công an để người chiến sĩ Công an trở nên gần gũi hơn với bà con nhân dân hơn.

Ví dụ như chuyến đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) - một vùng đất rất xa xôi, đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn. Để đến được điểm biểu diễn, bà con đã phải đi qua nhiều con đèo, con suối. Vất vả là thế nhưng họ rất hào hứng để xem nghệ thuật và cũng rất yêu quý cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn. Dù là thời tiết có chút mưa nhưng bà con vẫn đội mưa để xem đoàn biểu diễn. Rồi gần đây nhất, Duy Hưng và các đồng đội của mình đã được tháp tùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đến biểu diễn văn nghệ cho bà con nhân dân huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đêm diễn với các ca khúc ngợi ca người chiến sĩ CAND và các bài múa về dân tộc đã khiến bà con rất thích thú. Chương trình cũng đã được đồng chí Bộ trưởng khen ngợi.

Phải ra “chất” riêng của nhân vật

Nghệ sĩ Duy Hưng cho biết, mỗi vai diễn được giao, anh đều làm việc với tâm huyết, trách nhiệm, tìm tòi và sáng tạo để ra “chất” riêng của nhân vật. Vào vai chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, anh khắc họa tinh thần xả thân lao vào chiến đấu với “giặc lửa”, sẵn sàng hy sinh với phương châm: “Cứu người là quan trọng nhất”. Vào vai người chiến sĩ Cảnh sát giao thông, anh đã thể hiện được công việc mà họ đang làm là phân luồng giao thông như thế nào, vất vả đứng trước nắng mưa ra sao.

Vào vai người chiến sĩ Cảnh sát cơ động, anh đã lột tả được sự nhanh nhẹn, mưu trí của người chiến sĩ vốn là lực lượng phản ứng nhanh, thể hiện sức mạnh của ngành Công an. Vào vai bác sĩ trong lực lượng Công an, anh đã lột tả được tinh thần xả thân lao vào tâm dịch, sẵn sàng có thể trở thành F0 để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19. Vào vai chiến sĩ Cảnh sát trại giam, anh đã nói về công việc của người quản giáo với sự thân thiết, gần gũi với phạm nhân để họ sớm quay trở lại cuộc sống tự do.

Thượng úy, nghệ sĩ Duy Hưng cùng các đồng đội tham gia biểu diễn.

Nghệ sĩ Duy Hưng luôn đau đáu khi hiện nay nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân ngày càng nâng lên, đòi hỏi những người làm công tác nghệ thuật phải không ngừng “làm mới” mình, thậm chí phá cách để tạo ra những “món ăn tinh thần” bổ ích, giàu chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, anh cũng quả quyết dù phá cách nhưng phải gần gũi, bám sát thực tế, phù hợp phong tục, tập quán và “gu” thưởng thức của đối tượng khán giả.

“Để chuẩn bị cho mỗi chương trình biểu diễn ở vùng miền nào đó, chúng tôi thường tìm hiểu kỹ các phong tục, tập quán qua tài liệu và qua các Già làng, Trưởng bản để cố gắng đưa được “hồn cốt” của dân tộc, vùng miền ấy vào trong tác phẩm của mình. Tôi luôn ý thức rằng, trong một tác phẩm phải đưa được hơi thở của cuộc sống đương đại vào trên nền của dân tộc, vùng miền ấy”, nam nghệ sĩ chia sẻ.

Là nghệ sĩ múa, Duy Hưng hiểu hơn ai hết tuổi đời nghệ thuật của mình là rất ngắn. Bởi thế trong thời gian tới, anh có thể sẽ học thêm biên đạo múa để có thể gắn bó với nghệ thuật và phục vụ cho ngành được dài hơn, tốt hơn. Nghề múa nhiều vất vả nên anh cho rằng, điều quan trọng là phải yêu nghề, đam mê và cần sự hy sinh để ra được những tác phẩm hay. Và nghề múa cũng là nghề cần tính đồng đội rất cao nên trong “ngôi nhà” múa của Nhà hát CAND với 22 thành viên, nghệ sĩ Duy Hưng luôn sống chan hòa, gần gũi, thân tình.

Là người em, người đồng đội thân thiết của Duy Hưng, Trung úy Ngọc Hà (diễn viên múa Nhà hát CAND) chia sẻ: “Là người cùng học nhiều năm ở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam và rồi cùng công tác trong một đơn vị với anh Hưng, tôi thấy ở anh có một tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc, trách nhiệm. Nhiệm vụ mà lãnh đạo đội, lãnh đạo Nhà hát giao phó, anh đều hoàn thành xuất sắc và có những sáng tạo riêng biệt. Ngoài ra, anh còn là người tích cực tham gia các hoạt động hiến máu, các hoạt động xã hội”.

Ở tuổi 34 với tràn đầy năng lượng, tinh thần và sự nhiệt huyết, tin rằng, Duy Hưng sẽ còn mang đến cho khán giả những điệu múa, bài múa ấn tượng để khắc họa tốt hơn, đẹp hơn, gần gũi hơn hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/thuong-uy-nghe-si-duy-hung-khac-hoa-hinh-anh-nguoi-chien-si-cand-qua-dieu-mua-i663612/