Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Y tế về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Sáng 11.1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Y tế, xem xét tiến độ xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã góp phần chuẩn hóa chất lượng khám, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Tính đến tháng 12.2021, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động cho 51.814 cơ sở y tế và chứng chỉ hành nghề cho 444.738 trường hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Cùng với đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân. Sau hơn 11 năm thực hiện, hiện nay cả nước có gần 51.814 cơ sở khám, chữa bệnh (trong đó có 306 bệnh viện tư nhân; 1.118 phòng khám đa khoa; 24.621 phòng khám chuyên khoa; 155 phòng khám chuyên khoa bác sỹ gia đình; 6.521 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 78 nhà hộ sinh; 711 cơ sở chẩn đoán hình ảnh; 3.724 cơ sở dịch vụ y tế; 167 y tế cơ quan đơn vị; 255 loại hình cơ sở khác....) với hơn 80.000 bác sỹ đang làm việc, đạt tỷ lệ 8,2 bác sỹ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; số giường bệnh/vạn dân đạt mức 26,5; 100% số xã có trạm y tế, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, tập trung vào 3 mục tiêu chính sách: một là, lấy người bệnh là trung tâm mọi hoạt động phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và gắn việc phát triển hệ thống với việc thực hiện đánh giá, kiểm định độc lập chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân; đồng thời phát triển các hoạt động khám, chữa bệnh theo hướng xã hội hóa, có sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh. Ba là, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh đồng thời tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Đại diện Bộ Y tế trình bày báo cáo

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết: có 15 chính sách để thực hiện mục tiêu xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm: quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hành nghề tại Việt Nam; thời hạn của giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề; mở rộng các hình thức cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động; bắt buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải có kết nối với hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; khám, chữa bệnh từ xa; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp của hệ thống khám, chữa bệnh; khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tình trạng khẩn cấp; an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y; thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh; sử dụng sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến 72 tháng tuổi.

Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, 15 chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thể hiện rõ nét các quan điểm của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, cũng như các yêu cầu mới đặt ra với lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đã cho ý kiến bước đầu về một số chính sách được dự kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của dự luật này liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các chính sách, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm các chính sách được đề xuất đúng, trúng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Toàn cảnh cuộc họp

Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo Thường trực Ủy ban Xã hội về tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật trong năm 2022, 2023 gồm: dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); dự án Luật Dân số; các dự án luật thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuong-truc-uy-ban-xa-hoi-lam-viec-voi-bo-y-te-ve-du-an-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-yxgbtohsie-78954