THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TƯ PHÁP THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2020

Sáng ngày 07/9, tiếp tục chương trình phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Thường trực Ủy ban Tư pháp họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2020.

Tham dự phiên họp còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Châm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Tư pháp họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

Thường trực Ủy ban Tư pháp họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đôn đốc thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng.

Trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhưng hầu hết các nhiệm vụ về công tác phòng chống tham nhũng vẫn cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch, có nhiệm vụ vượt yêu cầu. Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy và hỗ trợ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về tình hình tác phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; dự báo tình hình và các giải pháp trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ

Các đại biểu cơ bản thống nhất với nhận định của Chính phủ về tình hình phòng, chống tham nhũng; ghi nhận báo cáo Chính phủ đã phản ánh tương đối đầy đủ bức tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020 và nhấn mạnh, tham nhũng đã được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Đánh giá này là có cơ sở, bởi lẽ, bên cạnh việc triển khai khá đồng bộ các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng thì dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần căn cứ vào các tiêu chí đánh giá tham nhũng đã được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, đánh giá tình hình tham nhũng năm 2020 làm cơ sở dự báo tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian tới tham nhũng dù đã thuyên giảm nhưng vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi. Vì vậy, có đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan hữu quan phải tiếp tục tăng cường công tác phòng, ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trên cơ sở ý kiến các đại biểu tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; đồng thời gửi lấy ý kiến các thành viên Ủy ban/.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48065