Thường trực lãnh đạo Hội DNTN Việt Nam họp mở rộng chuẩn bị Đại hội lần 2

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (Hội) đã tổ chức cuộc họp Thường trực lãnh đạo Hội mở rộng, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội.

Cuộc họp Thường trực lãnh đạo Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam mở rộng. (Ảnh: DNVN/ Minh Hoa)

Cuộc họp đã nghe Ban Tổ chức Đại hội (thành lập theo Quyết định số 36/QĐ-HDNTN ngày 8/6/2018) báo cáo công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 2.

Đồng thời, lấy ý kiến về nội dung (đã sửa đổi) các Văn kiện sẽ trình Đại hội cũng như nội dung Điều lệ Hội; thông qua phương án Dự kiến nhân sự BCH TW Hội khóa 2 (2018-2023).

Mở đầu cuộc họp, ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 1 và phương hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2 (Báo cáo) cùng một số nội dung sửa đổi Điều lệ Hội.

Theo đó, nội dung Báo cáo và Điều lệ được điều chỉnh lại theo các ý kiến đóng góp thiết thực và tâm huyết tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội nhiệm kỳ 2013-2018 đã diễn ra vào tháng 5 vừa qua.

Về phần phương hướng nhiệm vụ, Báo cáo nêu rõ Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, phải bám sát vào chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (xác định kinh tế tư nhân thực sự là động lực của xã hội) và Nghị quyết 35/NQ-CP (hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động).

Báo cáo cũng nhấn mạnh bối cảnh kinh tế hiện nay, trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 và sự xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ bảo dịch, chuyển động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam bị tác động không nhỏ.

Trong bối cảnh đó, Báo cáo đưa 4 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Đó là, Hội cần tăng cường sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Phát huy hơn nữa vai trò kết nối, gắn bó trong cộng đồng doanh nhân tư nhân để cùng kinh doanh có hiệu quả, “chúng ta cùng thành công”.

Định danh đúng vị thế của doanh nhân, xác lập những giá trị đích thực của doanh nhân trong thời đại mới thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về doanh nhân; khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, xây dựng hình ảnh của doanh nhân làm chủ doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp đó để xã hội tôn vinh họ như tôn vinh một giá trị rất quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Xây dựng Ban pháp chế Hội thật mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ doanh nhân. Đồng thời, đóng vai trò vận động chính sách, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nhân phát triển và đây cũng là giải pháp để Hội góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Trong đó, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hội sẽ là kênh rất quan trọng để cộng đồng doanh nhân được tiếp nhân thông tin, mở rộng kết nối, nói lên tiếng nói của mình. Qua đó, Hội sẽ thu hút được đông đảo doanh nhân tham gia vào hoạt động Hội, tạo không khí kiến tạo cho doanh nghiệp.

Cuối cùng là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan của Trung ương Hội và Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam theo hướng thiết thực và hiệu quả, lấy thu bù chi.

Đẩy mạnh việc phát triển hội viên theo lộ trình, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phát triển hội viên. Đề nghị Bộ Nội vụ cho phép mở rộng đối tượng Hội viên của Hội gồm cả tổ chức, hộ kinh doanh cá thể.

Về Điều lệ Hội, để phù hợp với thực tiễn hoạt động của Hội, Điều lệ được sửa đổi theo hướng bổ sung chủ hộ kinh doanh cá thể và tổ chức là hội viên chính thức của Hội; nâng cao quyền hạn của Tổng Thư ký, bổ sung thêm quy định về quyền hạn của Hội; sửa đổi quy định thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên theo hướng giản tiện hơn, bớt đi tính sự cứng nhắc không cần thiết (doanh nhân muốn gia nhập Hội chỉ cần thực hiện đơn đăng ký gia nhập Hội theo mẫu do Hội quy định).

Cùng với đó, Điều lệ Hội đưa ra quy định tạo điều kiện cho Văn phòng đại diện của Hội chủ động tổ chức các hoạt động, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Việt Dũng, Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam cho rằng phương hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2 cần cấu trúc lại theo các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; xác định rõ hơn mục tiêu định danh doanh nhân, xây dựng được hình ảnh đội ngũ doanh nhân là người chiến sĩ thực sự trong mặt trận thời bình, trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Phạm Việt Dũng, Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DNVN/ Minh Hoa)

“Hội phải tiếp tục củng cố, khắc phục hạn chế, phát huy vai trò, uy tín của Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp quan trọng, hỗ trợ hội viên và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên. Hội phải làm được vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau và giữa doanh nghiệp tư nhân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh cá thể được gặp gỡ với các cấp chính quyền ở địa phương”, ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cho rằng Hội phải bảo vệ được hội viên; tham gia xây dựng chính sách và phản biện chính sách, giúp kinh tế tư nhân phát triển phù hợp với thực tế, đi đúng hướng để xây dựng và phát triển nội lực; tích cực mở rộng hội viên - hội viên càng đông đảo thì tiếng nói của Hội càng rộng lớn.

Hội phải tổ chức truyền thông xã hội, nhất là thông qua hoạt động của cơ quan ngôn luận là Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, làm sao để xã hội càng ngày càng định danh đúng vị thế của doanh nhân.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng Báo cáo cần nêu rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp tư nhân tạo nên sức mạnh của Hội trong suốt nhiệm kỳ 1. Từ nay đến lúc tổ chức Đại hội lần thứ 2, các ý kiến đóng góp tiếp theo của đông đảo doanh nhân trong Hội có thể đưa lên trang Web của Hội để Báo cáo được sinh động và thực tế hơn.

Tại cuộc họp, Thường trực lãnh đạo Hội mở rộng đưa ra dự kiến Đại hội lần 2 diễn ra vào tháng 9/2018, tại Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu và khách mời. Đơn vị đứng ra tổ chức là Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Doanh nhân Việt (VEN) – đơn vị trực thuộc Hội, đồng thời là đơn vị nhận sự bảo trợ của Công ty HALCOM.

Liên quan đến công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội, Thường trực lãnh đạo Hội mở rộng thông báo Ban Chấp hành Hội khóa mới dự kiến là 65 đồng chí, trong đó, số đồng chí trong Ban Chấp hành Hội khóa 1 tái cử, ứng cử chiếm 2/3. 4 đồng chí lãnh đạo Hội tiếp tục tái cử, ứng cử chức danh lãnh đạo Hội, chiếm 32%. Công tác chuẩn bị nhân sự tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới để làm sao chọn đươc các doanh nhân có tâm, có tầm lãnh đạo và xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Kết luận cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội đánh giá cao nội dung của Báo cáo do ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội trình bày, đồng thời, ghi nhận các ý kiến tâm huyết và xác đáng bổ sung cho Báo cáo tại cuộc họp.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DNVN/ Minh Hoa)

“Trong kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018, Báo cáo cần nêu cụ thể và đầy đủ hơn vai trò của hội viên cũng như của các chi hội và các tổ chức trực thuộc. Cùng với đó, cần bổ sung thêm các nhóm giải pháp cụ thể để Báo cáo được hoàn thiện để Hội trình Bộ Nội vụ trong thời gian tới ”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều đề nghị.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hoat-dong-hoi/thuong-truc-lanh-dao-hoi-dntn-viet-nam-hop-mo-rong-chuan-bi-dai-hoi-lan-2-2953.html