THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ VÕ VĂN THƯỞNG: XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VÀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG LÀ RẤT HỆ TRỌNG

Chiều 06/12, từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự, chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực.

HƠN 1 TRIỆU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẢ NƯỚC THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TW ĐẢNG KHÓA XIII

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành yêu cầu đề ra.

Tại Hội nghị, các cán bộ, đảng viên tham dự tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước đầy đủ, với tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu đã được nghe các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, những người trực tiếp tham gia vào quá trình chỉ đạo xây dựng các nghị quyết, kết luận, giới thiệu và quán triệt nội dung các nghị quyết, kết luận của của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hai bài phát biểu rất quan trọng, khai mạc và bế mạc Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ các bài phát biểu quan trọng này để làm định hướng cho việc tiếp tục tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 6.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận với quyết tâm cao, khẩn trương nhưng không nóng vội, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển

Theo Thường trực Ban Bí thư, học tập, quán triệt nghị quyết xét cho cùng là phải tự nghiên cứu, tự nghiền ngẫm, đọc nghị quyết và các tài liệu hướng dẫn liên quan; đồng thời nhấn mạnh 03 nghị quyết và 01 kết luận được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua tại Hội nghị lần thứ 6 là rất hệ trọng nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Điểm lại những nội dung lớn mang tính tư tưởng, chỉ đạo có tính thời sự cao, đặc biệt là trong Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: Điều đầu tiên, trong quá trình này phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân, chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc.

Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện. Những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Đây không phải lần đầu tiên Đảng ta nêu ra vấn đề này nhưng lần này được nêu ra với quyết tâm cao hơn, đòi hỏi phải khẩn trương hơn, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Dẫn chứng từ thực tế câu chuyện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vướng từ Thông tư của Bộ Y tế về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhưng mãi vẫn chưa sửa được, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm rõ, có những vấn đề thấy không hợp lý nhưng bàn quá nhiều chưa sửa được. Có những vấn đề thấy cấp bách rồi cần phải làm nhưng bàn nhiều ý kiến khác nhau làm mất cơ hội, chậm đi quá trình phát triển.

Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình này phải rất quyết tâm nhưng không nóng vội cũng không bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Cùng với đó, có sự kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả kinh nghiệm tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng ở mỗi cấp. Mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực, từng tổ chức. “Nếu không quán triệt nguyên tắc chung thì sẽ là không thực hiện nghiêm nghị quyết. Nhưng nếu chỉ quán triệt nguyên tắc chung mà không chú ý thấu đáo đến tình hình, đặc điểm, điều kiện tổ chức thực hiện của đơn vị, tổ chức thì lại cũng không hiệu quả, không đưa nghị quyết vào cuộc sống”, Thường trực Ban Bí thư nhắc nhở thêm.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ chức năng, cao trách nhiệm

Thứ hai, ý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước. Khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc.

Thường trực Ban Bí thư làm rõ, chuyện của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng. Khi có vướng mắc hỏi cấp trên mà cấp trên trả lời theo quy định pháp luật thì như thế là không đầy đủ hết trách nhiệm. Mặt khác cũng còn tình trạng đẩy việc của mình lên cho cấp trên, chuyện của mình làm mà mình không làm. Do đó, về quan điểm, bên cạnh phân cấp, phân quyền, đòi hỏi làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của từng cá nhân trong bộ máy nhà nước để ai cũng ý thức được quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của mình để làm cho đúng. Cấp trên giám sát, kiểm tra, làm đúng thì khen, làm không đúng thì phê bình như Tổng Bí thư nhiều lần chỉ đạo phải “đúng vai, thuộc bài”.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết cũng cần nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm.

Thứ ba, trong công tác cán bộ, một lần nữa khẳng định quyết tâm cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Nghị quyết cũng chỉ đạo rõ, nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”, khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, khi có sai phạm. Theo Thường trực Ban Bí thư, cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội trong tổ chức để cán bộ đó từ chức khi có khuyết điểm, có sai phạm. Tin tưởng rằng với xu hướng này thời gian sắp tới tình hình sẽ tốt hơn. Thường trực Ban Bí thư chia sẻ thêm, những người lãnh đạo, đứng đầu từ chức để đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần “ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó” để cố gắng hơn và nỗ lực khắc phục khó khăn. Hoặc từ chức dù không hề bị kỷ nhưng do cảm thấy sức ép của công việc nặng nề, không đảm đương được tốt thì xin chuyển qua một công việc khác ít sức ép hơn. Đảng cũng ủng hộ việc này, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Nhấn mạnh tư tưởng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đề ra, kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ. Như lời Bác Hồ từng nói “chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo”. Do đó, kiên quyết khắc phục, hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ.

Nhấn mạnh đây là những vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn rất cao, đồng thời cũng là vấn đề cơ bản, lâu dài trong muốn đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thường nêu rõ, muốn xây dựng được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hay làm bất cứ việc gì thì cuối cùng cũng là vấn đề con người. Bởi hiện nay có tình trạng, có tâm lý sợ trách nhiệm, đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp hay cứ đẩy đi là được. Do đó phải xác định trách nhiệm tham mưu, xác định trách nhiệm ngay từ khâu dự thảo, nhất là các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật,

Thấm nhuần nội dung, tư tưởng đưa các nghị quyết, kết luận của Trung ương đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung tiến hành ngay một số nhiệm vụ.

Một là, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6. Cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực, cố gắng để trong một thời gian ngắn quán triệt được hết trong hệ thống của mình.

Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ. Đồng thời với việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt. Chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đặc biệt phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương, bảo đảm khoa học chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6, các kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành Chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”, khắc phục tình trạng “nghị quyết hay nhưng thực hiện thì rất là gay”, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị như Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận ở các cấp. Các ban tham mưu của Đảng phải nắm chắc và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp theo từng quý, từng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Nêu rõ, Hội nghị nghiên cứu học tập, quán triệt nghị quyết mới là bước đầu, tiếp theo cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả thực sự; kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 cũng như các nghị quyết, kết luận của Đảng sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự, chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực mà nghị quyết, kết luận của Trung ương đề cập tới, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71257