Thường trực Ban Bí thư: Việt Nam là hình mẫu giảm nghèo trên thế giới

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về giảm nghèo.

Ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

 Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Ảnh: Quang Phúc.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Ảnh: Quang Phúc.

Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020.

“Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo”, ông Bình nói.

Không để tham nhũng, tiêu cực trong tín dụng xã hội

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận nhiều kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai khá sâu rộng đến các xã phường, thị trấn trên toàn quốc, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đạt tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị.

Theo ông, đây là một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi tín dụng đen, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua 5 năm, Thường trực Ban Bí thư cho rằng Chỉ thị 40 đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân, ngày càng đi vào cuộc sống, là đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu chính trị mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, việc làm, góp phần ổn định chính trị xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

“Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới”, ông Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới. Ảnh: Quang Phúc.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng phức tạp, khó lường, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt…

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

Ông yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy, cần phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp.

Ông Vượng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hàng năm và hàng tháng của mình.

“Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội phải gần dân, sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ, thấu hiểu dân và tận tâm phục vụ. Các đồng chí tiếp xúc với dân - đấy là hình ảnh của Đảng, Nhà nước. Ngân hàng chính sách xã hội phải giáo dục cán bộ với tinh thần như thế”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý cấp ủy chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, ủy thác, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, góp phần tích cực ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội theo định hướng XHCN.

Đẩy lùi cho vay nặng lãi, tín dụng đen

Đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị 40, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết sau 5 năm triển khai, chủ trương này đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Đáng chú ý, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt là những vùng nông thôn.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Phúc.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết đến 30/6, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội đạt hơn 4.000 tỷ đồng, riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị.

100% các quận, huyện thị xã đã quan tâm, bố trí ngân sách cấp huyện bổ sung vốn ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

Những kết quả trên, theo bà Hằng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố như tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội từ 3,64% năm 2016 giảm xuống còn 0,42% trong năm 2019, và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.

Người cán bộ cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội phải giúp người nông dân định hình lại suy nghĩ, kiên trì trong phương án sản xuất. Phải có niềm tin và phải rèn luyện thái độ sống tốt

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan

Phó bí thư Hà Nội cũng lưu ý tới đây cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại điểm cầu Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng “người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”.

Theo ông, tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội, thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti vươn lên thoát nghèo.

“Câu chuyện bài học về con cá, cần câu, cách câu và thái độ câu cá là phương thức được tôi chia sẻ tại các hội nghị. Tức là bên cạnh việc hỗ trợ vốn thì người cán bộ cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội phải giúp người nông dân định hình lại suy nghĩ, kiên trì trong phương án sản xuất. Phải có niềm tin và phải rèn luyện thái độ sống tốt. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay”, ông Hoan nói.

Bí thư Đồng Tháp kiến nghị Quốc hội cân đối ngân sách, bổ sung cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là đối với giải quyết việc làm và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Mặt khác, Chính phủ và các bộ ngành cần bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thoát nghèo bền vững.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-viet-nam-la-hinh-mau-giam-ngheo-tren-the-gioi-post1107190.html