Thưởng trà nóng cùng kẹo lạc giòn, món quà vặt đút túi của người Việt

Ngồi nhâm nhi tách trà nóng với kẹo lạc, là một phần trong nét văn hóa người Việt, thứ quà xuất hiện trong đời sống hằng ngày hoài cổ kỷ niệm xưa đến nay vẫn là thú vui thanh tao của nhiều người

Hồi bé cứ vu vơ canh cổng ngóng mẹ đi chợ về chia cho chiếc kẹo lạc mật gói trong lớp lá chuối khô là sướng rơn. Lớn lên rồi lại thích nhâm nhi vị mát chan chát của trà xanh quyện hòa với vị bùi giòn tan của kẹo lạc để nghe sắc ngọt dịu dàng tan dần nơi đầu lưỡi.

Thế nên dễ nhận thấy nhất là ở đâu kẹo lạc xuất hiện ở đó sẽ có nước trà xanh. Kẹo lạc và trà xanh sánh đôi cùng nhau trong những hàng quán dành cho người bình dân. Kẹo lạc là thứ quà dân dã không kén người ăn, “hiện diện” trong quán nước ven đê nằm khép mình dưới tán tre xanh, trong gánh hàng rong của bà cụ bán nước chè, trong hàng trà đá sinh viên… Không hiểu từ bao giờ người Việt lại có nét văn hóa mộc mạc mà sâu sắc đến thế. Trong buổi chiều ồn ào náo nhiệt của thành phố, sẽ tìm lại được những phút bình yên, thư thái khi chậm rãi thưởng thức cốc trà xanh đá mát lạnh, có phong kẹo lạc đưa đẩy. Thấy ấm áp là một đêm mưa lâm thâm lành lạnh, cốc trà xanh ấm nóng bỏng tay, thơm đến diệu kì khi ăn kèm kẹo lạc. Uống cốc trà mà thiếu kẹo lạc cứ thấy hụt hẫng, thiếu đi một thứ gì đó thân thuộc lắm. Còn đã ngồi hàng nước chỉ gọi thanh kẹo lạc sẽ thấy nhớ da diết vị chát nồng của trà xanh.

Uống trà đá, ăn kẹo lạc, kẹo dồi... là một nét văn hóa giản dị mà gần gũi với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc. Kẹo lạc quen thuộc với mọi lứa tuổi, nhâm nhi tách trà hoài cổ kỷ niệm xưa cũ.

Kẹo lạc là món quà nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt, món quá ý nghĩa cho những vị khách phương xa lần đầu đến Việt Nam… cũng là một món ăn khoái khẩu của những cô cậu háo ngọt. Những quán trà đá ven đường hay cả những biệt phủ thì kẹo lạc đi cùng trà nóng cho đến nay vẫn nhiều người yêu cái thú ẩm thực mộc mạc ấy.

Ngồi nhâm nhi tách trà nóng với kẹo lạc, hoài cổ kỷ niệm xưa là thú vui thanh tao của nhiều người Việt khi ngồi quây quần thưởng trà.

Nguyên liệu làm kẹo rất đơn giản, kẹo thường được làm từ mạch nha, đường và lạc nhưng cái khó lại nằm ở kì công của người làm ra nó. Làm kẹo đòi hỏi người làm trước hết phải có sức khỏe tốt, có thế mới giải quyết được khâu làm vỏ kẹo. Vì nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công.

Để làm được một mẻ kẹo lạc ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ, đúng thời gian. Nếu nấu lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẫm màu, còn chưa đủ thời lượng thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước.

Để có hương vị đặc trưng, lạc rang phải đảm bảo độ ngon, béo. Lạc sau khi rang vừa đủ độ chín sẽ được đưa ra sàng sảy và chọn bỏ những hạt hỏng. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến chất lượng mỗi chiếc kẹo. Bởi nếu không cẩn thận, chỉ một vài hạt lạc hư lẫn vào sẽ tạo cảm giác khó chịu cho người ăn

Ngoài lạc, vừng trắng cũng phải qua khâu tuyển chọn thật kỹ, lọc bỏ những hạt lép, giữ lại hạt trắng mẩy tròn, tăng thêm độ béo cho chiếc kẹo lạc.

Với sức lực đôi tay quai búa của thợ rèn hay thợ đấu đắp đê quật mãi cho đến khi đường trắng ra và dẻo quẹo. Cả khối đường được dàn mỏng, càng mỏng càng tốt, rồi cho hỗn hợp nhân lạc đã nhào đường, mạch nha, va-ni trông óng màu mật ong vào giữa, cuốn tròn. Chờ nguội đủ độ, lấy dao cắt vát thành những khoanh kẹo như những miếng kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng.

Tùy vào ước lượng của người làm, kẹo được cắt thành từng miếng nhỏ, có nơi thì hình vuông, có nơi lại hình chữ nhật dài.

Nếu trước đây việc rang lạc bằng phương pháp thủ công vừa tốn nhiều công sức và thời gian, thì hiện nay máy rang lạc đã giúp người sản xuất tạo nên được những mẻ lạc chín đều, chuẩn về màu sắc.

Vị ngọt của đường, giòn thơm của lạc, béo bùi của vừng quyện hòa cùng nhau trong mỗi chiếc kẹo nhỏ xinh, đặc biệt khi nhâm nhi cùng chén trà sẽ mang lại dư vị khó quên cho những ai từng thưởng thức.

Ngọc Anh (T/H)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/thuong-tra-nong-cung-keo-lac-gion-mon-qua-vat-dut-tui-cua-nguoi-viet-73703.html