Thượng tôn pháp luật trong thời đại công nghệ 4.0: Câu chuyện của tốc độ và sự vững chắc của Doanh nghiệp

Các nhà làm luật, các doanh nhân tham dự chương trình Tọa đàm 'Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0', do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

Với mục đích nhân rộng, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật ra cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, tháng 4/2018 Báo Pháp luật Việt Nam phát động cuộc thi viết vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” lần thứ hai (năm 2018).

Nằm trong khuôn khổ của cuộc thi viết vinh danh này, ngày 16/8 vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0”

Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng – Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), ông Lê Hoàng Sâm – Phó trưởng Ban kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Trần Việt Hưng – Trưởng Phòng Truyền thông Samsung Việt Nam;

Ông Ngô Đức Hành – Tổng Biên tập Tạp chí Cầu đường Việt Nam; ông Trần Minh Sơn – Trưởng Phòng Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp); ông Trần Văn Long – Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Thái Nguyên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Basico.

Cùng đó là đông đảo các Lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp như: ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP GWIN; ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát...

Về phía đơn vị tổ chức, ông Đặng Ngọc Luyến - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Đức Vinh – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, cùng Trưởng, phó các phòng ban của Báo Pháp luật Việt Nam.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình, ông Đặng Ngọc Luyến nói: "Thượng tôn pháp luật chính là xương sống, là “kim chỉ nam” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế cũng đã chứng minh: Có “thượng tôn pháp luật” thì “doanh nghiệp mới phát triển bền vững”. Chân lý đó không có gì phải bàn cãi. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, sức ép đối với các doanh nghiệp, doanh nhân càng lớn hơn khi toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Ông Đặng Ngọc Luyến - Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp Luật Việt Nam cho biết: "Nhìn chung hệ thống pháp luật hiện nay tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thực tế lại rất chồng chéo, rối rắm, thậm chí nhiều quy định mâu thuẫn nhau.

Nhiệm kỳ Chính phủ mới rà soát đã bãi bỏ rất nhiều văn bản trái pháp luật, nhiều giấy phép con, nhiều quy định làm khó cho Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi sâu vào từng bộ, ngành, địa phương hoạt động của doanh nghiệp vẫn khó khăn, vướng măc mà chỉ có doanh nghiệp mới là người hiểu rõ nhất.

Các doanh nhân tham dự buổi tọa đàm hôm nay đều là những điều hành doanh nghiệp thành công nhiều năm, có thâm niên lăn lộn trên thương trường, tiếp xúc xa chạm với rất nhiều cơ quan quản lý, chắc chắn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế và quý giá trong việc ấp dụng sáng tạo pháp luật vào kinh doanh bền vững.

Những chia sẻ của các DN tham dự tòa đàm hôm nay cùng sự tư vấn của luật sư sẽ được phát và đăng tải trên hệ thống các ấn phẩm điện tử và báo in của Báo PLVN để các DN trong cả nước có thểm tham khảo học hỏi kinh nghiệm và áp dụng nếu phù hợp.

Phát biểu trong buổi Tọa đạm, ông Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh tầm trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Huỳnh cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của Cuộc thi mà Báo PLVN tổ chức.

Ông Trần Hữu Huỳnh phát biểu trong buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) khẳng định áp dụng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu của thời đại. Trước đây, xã hội dựa trên nền tảng nông thôn, làng xóm, còn hiện nay, là câu chuyện của tốc độ, cạnh tranh. Ai dừng lại sẽ tụt hậu.

Ông Cương cũng cho rằng xu hướng hiện nay đang là xu hướng mở, kết nối. Xu hướng nữa là không còn tế bào làng xã, trọng tình mà trọng lý, trọng pháp. Đây cũng là câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay - nền tảng thượng tôn pháp luật.

Với 4.0, chưa bao giờ nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay, những gì tốt của thế giới thì hội nhập nhanh, có ngay tức thời tại Việt Nam.

'Với những công nghệ mới của 4.0, xã hội sẽ biến đổi từ thủ công sang tự động hóa nhiều hơn, chuyển sang lối sống thông minh: đô thị thông minh, chính phủ thông minh... Tác động của cách mạng 4.0 sẽ tới đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, đi liền với tốc độ... Nếu trước đây, dân gian có câu "cá lớn nuốt cá bé" thì nay là "cá nhanh nuốt cá chậm".' - ông nói.

Ông cũng khẳng định câu chuyện "tốc độ, tốc độ, tốc độ" là vấn đề then chốt của xã hội cũng như của nền kinh tế.

Đại diện của công ty Samsung chia sẻ: Với chúng tôi - với Samsung, câu chuyện thượng tôn pháp luật hết sức quan trọng. Ông chia sẻ, "Có thể thấy, sau tiền, pháp lý là vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển của doanh nghiệp".

Kết thúc buổi Tọa đàm, Phó tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến đã một lần nữa nói về tiêu chí của cuộc thi, qua buổi Tọa đàm, ông cũng cho biết Ban tổ chức cuộc thi sẽ nghiên cứu những ý kiến đề xuất trong buổi tọa đàm này, để có sự điều chỉnh tiêu chí cuộc thi cho phù hợp hơn.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trong buổi tọa đàm hôm nay đã vượt qua khỏi phạm vi mong muốn của cuộc thi Báo PLVN đang tổ chức. Những ý kiến đó cũng là những gợi mở cho công tác xây dựng pháp luật, công tác báo chí. - Phó tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến cho biết.

"Chúng tôi sẽ là cầu nối từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với Bộ Tư pháp." - Phó tổng Đặng Ngọc Luyến nói, sau khi trân trọng gửi lời cám ơn đến các đại biểu đã tham dự buổi Tọa đàm.

Lê Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/thuong-ton-phap-luat-trong-thoi-dai-cong-nghe-40-cau-chuyen-cua-toc-do-va-su-vung-chac-cua-doanh-nghiep-d76039.html