Thương tổn của người di dân

Kể về trải nghiệm di cư đến Anh để thoát khỏi cuộc nội chiến Syria, 'Người nuôi ong thành Aleppo' nằm trong dòng chảy của văn chương kể về những người di dân.

 Tiểu thuyết "Người nuôi ong thành Aleppo". Ảnh: Minh Huy.

Tiểu thuyết "Người nuôi ong thành Aleppo". Ảnh: Minh Huy.

Như Christy Lefteri thừa nhận, cuốn tiểu thuyết này được viết dựa trên những trải nghiệm khi cô làm tình nguyện viên cho các trung tâm tiếp nhận người tị nạn vào hai năm 2016 và 2017 tại Athens.

Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, Người nuôi ong thành Aleppo không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu.

Quá khứ và những tổn thương

Khác những tác phẩm cùng dòng như Bụi đường di dân (Jeanine Cummins), Thoát đến phương Tây (Mohsin Hamid)… tập trung khai thác hành trình gian lao đến với tự do, Christy Lefteri trong cuốn sách này đi sâu hơn về mặt tâm lý khi khai thác thương tổn về mặt tinh thần của những con người bị chia cắt với quá khứ của mình.

Sức khỏe tinh thần của họ dường như sụp đổ trong những ngày ấy. Afra, vợ của Nuri, bỗng dưng hóa mù ngay khi chứng kiến cái chết của con trai họ. Cô sống mà chẳng khác nào chết.

Từng là người yêu biển và những dòng sông, từng có cả thế giới, thế nhưng giờ đây Afra hoàn toàn trống rỗng và thấy trước mắt chỉ là đêm đen với những giấc mơ đầy vẻ hỗn loạn.

Nuri xuất hiện trong tiểu thuyết này không những là một đối trọng đầy lý trí của Afra, mà anh cũng mang trong mình những ám ảnh, ghê sợ khi bị quăng quật khỏi những tháng ngày có phần an yên mà mình từng sống.

Trong những tháng ngày trốn chạy, anh nhớ lại tiệm bán vải của cha, nhớ mẹ, nhớ đến chiếc quạt Trung Hoa của bà, những câu chuyện kể Nghìn lẻ một đêm cũng như tháng ngày nuôi ong với Mustafa…

Quá khứ vừa là chất lỏng xoa dịu thần kinh, cũng đồng thời là thứ thuốc độc khiến anh đau đớn. Cũng như vợ mình và những người khác, anh tự dựng lên cho mình một thế giới mới, nơi không còn niềm đau,

Liệu chứng mù của Afra có phải là thật về mặt sinh học? Và hành động biến mất của Mohammad - cậu bé đồng hành trên đường từ Istanbul đến đảo Leros của vợ chồng họ bắt nguồn do đâu? Đó là những gì thật sự diễn ra hay chỉ là tưởng tượng trong chính não trạng đang bị thương tổn tự tạo ra?

Trong những câu văn không thôi day dứt, Christy Lefteri đã xây dựng một cách thành công hai thế giới song song, với niềm vui cũng như nỗi đau đan cài. Cùng đó là cách kể chuyện đa tuyến với những phân đoạn chuyển mạch mượt mà, sử dụng hình tượng giàu sức gợi.

Nhà văn Christy Lefteri. Ảnh: The Independence.

Sức mạnh từ những nỗi đau

Hành trình từ Syria đến với nước Anh qua Istanbul cũng như Athens của người di dân không bao giờ là dễ dàng. Ở đó họ có được sức mạnh dựa trên những nỗi đau. Họ lấy tình thương từ người ở lại để làm nguồn cơn cho cuộc hành trình vượt lên khó khăn của mình.

Những cái chết, cảnh chia ly, quá khứ nát vụn… được Lefteri khắc họa rõ nét. Tuy thế, phủ trên những nỗi đau đớn, cô lại mang đến sự dịu dàng như một cú chạm ủi an cho những thân phận đã quá mỏi mệt trên hành trình đó.

Đó là Nuri mong muốn vợ chết bằng những nụ hôn của mình ở hầm trú ẩn. Đó là Mustafa không muốn nhìn mình như kẻ giết con khi chần chừ mãi và không chịu rời Syria… Họ đớn đau nhưng được ủi an bằng chính tình yêu luôn hướng về nhau.

Từ những loài ong mà mình đã nuôi dưỡng, Nuri học được bài học kiên gan. Khi sa mạc mở rộng, khí hậu dần khắc nghiệt hơn, dòng sông đang khô cạn dần thì cũng chỉ có bầy ong thích nghi được với những biến động ấy. Chúng vẫn cần mẫn liên kết với nhau để cùng làm việc trong khi mọi thứ đang chết dần mòn.

Nuri và những người đồng cảnh ngộ hệt như chú ong nghệ đã bị mất cánh mà anh tìm thấy ở trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Anh. Tưởng như nó sẽ chết đi với khiếm khuyết ấy, thế nhưng nó vẫn kiên cường và tiếp tục sống.

Ở những vùng đất mà họ đã qua, rất nhiều người tốt bụng đã đến giúp đỡ. Đó là những người dân ở Istanbul để lại thức ăn trên đường họ qua, là những phụ nữ công tác xã hội ở công viên chiến tranh Athens hay Lucy Fisher - nhân viên ở sở nhập cư liên tục đến gần và an ủi họ. Dẫu trong tình cảnh đen tối, sự đồng cảm cũng như sẻ chia luôn là ánh sáng giúp họ thêm phần vững tin.

Khép lại cuốn sách, Lefteri mang đến một bầu trời lớn, trong xanh và tươi đẹp hơn đang chờ đón trước mắt.

Trong cuốn Mù lòa, nhà văn đoạt giải Nobel José Saramago từng viết: “Chúng ta mù nhưng thấy. Người mù thì có thể nhìn nhưng không thể thấy”. Và một lần nữa với Người nuôi ong thành Aleppo, ta hiểu thêm về câu nói trên, vì ánh sáng hay bóng tối cũng chính là do ta chọn đứng về phía nào.

Minh Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-ton-cua-nguoi-di-dan-post1358354.html