Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Chùa trong khu du lịch là tốt

'Việc này tạo điều kiện cho du khách vãn cảnh lại có cả ngôi chùa thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, để thờ Phật'

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng Chư vị Tổ Sư Ni tiền bối hữu công sắp diễn ra vào cuối tháng 10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có quan điểm trước sai phạm của một số nhà sư cũng như hiện tượng BOT chùa nở rộ thời gian qua.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết

Thượng tọa Thích Thanh Quyết

Cụ thể, với hiện tượng nở rộ các khu du lịch tâm linh thời gian gần đây như Bái Đính, Tam Chúc, thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá đây là việc rất tốt.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, việc này tạo điều kiện cho du khách vãn cảnh lại có cả ngôi chùa thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, để thờ Phật.

Về những lo ngại thời gian qua là liên quan tới công tác quản lý, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng xây chùa với quản lý là hai câu chuyện khác nhau. Nếu quản lý tốt sẽ rất tốt vì hướng con người quy thiện, hướng thiện, hành thiện. Nếu quản lý không tốt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không theo ý muốn.

"Ngôi chùa hiện hữu không nói lên điều gì tốt hơn hay xấu hơn, nhưng trước hết nên đánh giá công đức người bỏ tiền ra xây chùa. Nhiều doanh nghiệp có tiền nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền xây chùa. Cho nên trước hết chúng tôi đánh giá những chùa như Bái Đính, Tam Chúc là tốt. Chúng tôi phối hợp để quản lý các chùa này đi đúng hướng, đúng giáo lý ….", báo Tuổi trẻ dẫn lời Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Trước đó, khi trả lời báo Đất Việt về nội dung này, Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, BOT là cách nghĩ khiên cưỡng gán ghép đối với một số chùa, thực ra sự có mặt của mỗi ngôi chùa từ xưa đến nay là để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, văn hóa, giáo dục, đạo đức, tâm linh của cộng đồng, thậm chí là của cả dân tộc.

Ngôi chùa là do cộng đồng xã hội cùng xây dựng lên, người trông coi, trụ trì có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị phục vụ của cơ sở đó. Hiện nay các ngôi chùa đều có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, điều hành công việc phục vụ tín ngưỡng giữa vị trụ trì với Chính quyền địa phương và nhân dân sở tại. Vị Trụ trì thường có báo cáo về tình trạng của chùa hàng năm, qua đó sẽ cùng nhân dân, chính quyền địa phương trao đổi bàn bạc, lấy ý kiến về việc tu sửa, hoặc xây dựng lại mới sau đó mọi thủ tục được thực hiện theo luật.

Cũng tại cuộc gặp trên, về những bê bối liên quan tới một số nhà sư như sư Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc), thầy Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)", Hòa thượng, tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Chủ tịch hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho rằng sai sẽ xử lý, không quá nặng nề.

Nhân vụ sư Toàn, kiểm toán quỹ chùa: "Không nên làm"

"Một tổ chức Phật giáo có gần 60.000 tăng ni, khó kiểm duyệt kỹ càng như các tổ chức khác mà chỉ là những con người tự giác, tự nguyện xuất gia, tu hành. Họ là những người mà bố mẹ, đoàn thể không bắt buộc, áp đặt... thì có một vài vị không giữ đúng giáo lý nhà Phật, với xã hội là thường tình", hòa thượng Thích Thanh Đạt phân tích.

Theo hòa thượng Thích Thanh Đạt, các tăng ni vi phạm giới luật sẽ bị xử lý nghiêm, trước tiên là xử theo luật Phật, nội quy tăng đoàn, hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và sau đó có thể phải xử lý theo pháp luật.

An An(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thuong-toa-thich-thanh-quyet-chua-trong-khu-du-lich-la-tot-3389656/