Thượng tọa Thích Nhật Từ: Làm nghề cúng sao là tà mạng, gây tạo nỗi sợ hãi

Tại chùa Giác Ngộ, nơi Đại đức Thích Nhật Từ trụ trì, từ năm 1956 không thực hiện cúng dâng sao giải hạn. Theo Thượng tọa, việc dâng sao giải hạn đang được các chùa thực hiện là mê tín, sai lệch về nguồn gốc Phật giáo cũng như cơ sở khoa học.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, nguồn gốc của việc cúng dâng sao giải hạn phát xuất từ Ấn Độ, được Trung Quốc tiếp biến văn hóa.

Đạo Bà la môn, nay là Ấn Độ giáo cho rằng, quỹ đạo của mặt trăng có 27-28 ngày. Từ đó, các đạo sĩ Bà la môn tưởng tượng mỗi ngày xoay trên kinh độ, vĩ độ của nó có một vị thần linh chiếu mệnh, cai quản số mệnh của con người. Nghĩ chỉ cần làm hài lòng các thần linh, tức là sao chiếu mệnh thì cần gì được nấy.

Đức Phật từng có bài thơ đúc kết rất hay, được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như thế này: “Chờ đợi các vì sao/Kẻ ngu hỏng điều lành/Điều lành chiếu người lành/Sao trời chẳng làm được”. Như vậy, Đức Phật đã chỉ ra rằng người cúng sao, tin tưởng vào sự chuyển hạn vận nhờ cúng sao, chẳng những không đạt được kết quả như trông đợi, còn bị xem là người ngu, do thiếu kiến thức khoa học và nhân quả Phật giáo. Tín ngưỡng các thần sao đã làm “hỏng điều lành”, do mê tín và sợ hãi gây ra”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trong một buổi giảng pháp cho Phật tử

Thượng tọa Thích Nhật Từ trong một buổi giảng pháp cho Phật tử

Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cũng dẫn chứng rằng, trong hàng trăm bài kinh của Đức Phật đã nói rõ việc cúng sao giải hạn là đi ngược lại với giáo lý của đạo Phật. Quan niệm chiêm tinh về các vì sao chiếu mệnh nghĩ rằng vũ trụ chúng ta đang sống chỉ có 28 hành tinh, tương ứng với 28 vì sao. Mặc dù về đêm, vào những hôm rằm, ngắm bầu trời có vô số các vì sao. Đó chính là các hành tinh, định tinh. Bằng quan sát mắt thường đã thấy sai.

Quan niệm 28 vì sao quản lý vận mệnh con người lại càng phi lý hơn nữa, phản khoa học, phi nhân quả và trái với Phật giáo. Cho nên, “sao trời chẳng làm được” mà chỉ tư duy thiện, lối sống thiện, ứng xử thiện, động cơ thiện… mới cứu giúp con người vượt qua khổ đau và thay đổi vận mệnh của chính mình”.

Trong các bài giảng pháp của Đại đức Thích Nhật Từ cũng thường xuyên phân tích những quan niệm sai lệch trong việc dâng sao giải hạn vào mỗi dịp đầu năm và nhận được sự quan tâm, đồng tình của hàng nghìn Phật tử cả nước. Rất tiếc, điều này hiện không được các ngôi chùa- nơi đang tổ chức lễ dâng sao giải hạn lại không tuyên truyền về sự lệch lạc trong việc tiếp biến Phật giáo. Trái lại, còn khiến cho “làn sóng” tin tưởng vào việc dâng sao giải hạn mỗi năm thêm biến tướng và tăng theo cấp số nhân.

"Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Trước hình ảnh người dân vẫn tấp nập đến các chùa để cúng sao, giải hạn, Thượng tọa Thích Nhật Từ đưa ra lời khuyên: “Xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Các tăng ni nên tập trung vào việc hướng dẫn Phật pháp, hướng con người tu dưỡng đạo đức, để quần chúng được bình an thật sự, chứ không phải là việc trấn an tạm thời”.

Tuy nhiên, ở miền Bắc hiện nay, việc tổ chức các ngày dâng sao giải hạn lại đang trở nên phổ biến. Từ chỗ chỉ là tín ngưỡng dân gian, các chùa cũng công khai tổ chức cho các Phật tử, dù biết rõ việc dâng sao giải hạn không được khuyến khích và đi ngược lại với giáo lý của Phật giáo. Ngược lại, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) còn “chiều” theo mong muốn của Phật tử, quan niệm “người dân có niềm tin vào tín ngưỡng dân gian thì chúng tôi đáp ứng nguyện vọng của phật tử để người dân được thể hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình theo pháp luật quy định”.

Lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội

Phản cảm hơn nữa, các chùa còn đưa ra mức giá cụ thể cho mỗi lần dâng sao giải hạn trên đầu người. Có nơi 150 nghìn đồng/người, có nơi thu lên đến 300 nghìn đồng/người. Theo GS Ngô Đức Thịnh, đây là hình thức kinh doanh, là phi đạo Phật, phi tín ngưỡng. Giải hạn cho dân đâu chưa thấy nhưng trước mắt sẽ “giải” được “cái hạn” thiếu tiền cho các chùa.

Sau rất nhiều năm lên án những hoạt động biến tướng, phản cảm trong việc dâng sao giải hạn, ngày 20/2 năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về vấn đề dâng sao giải hạn và yêu cầu các chùa thực hiện nghiêm. Công văn cũng chỉ đạo các chùa không cúng sao, thay vào đó là cúng cầu an: "Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Tăng Ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an", công văn nêu.

Được biết, tại Chùa Giác Ngộ, nơi Đại đức Thích Nhật Từ trụ trì, từ năm 1956 đến nay không cúng sao giải hạn. Từ mùng 8-15 tháng Giêng chỉ tổ chức lễ cầu an để cầu cho thế giới hòa bình, đất nước phát triển, mọi người hạnh phúc.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thuong-toa-thich-nhat-tu-lam-nghe-cung-sao-la-ta-mang-gay-tao-noi-so-hai-20190221182959075.htm