Thượng tọa Thích Minh Hạnh: Tâm hành đạo giúp đời

Đối với tôi, được gặp và làm việc cùng Thượng tọa Thích Minh Hạnh là một điều rất may mắn. Ấn tượng ban đầu Thầy để lại trong tôi là sự phúc hậu hiện hữu trên gương mặt. Quả thật trong suốt quá trình làm việc, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều đó trong lối cư xử với người cộng tác và cách hành văn. Sự cởi mở, đồng cảm của Thầy khiến người nghe thoải mái vì thế rất dễ đi vào câu chuyện.

Thượng tọa Thích Minh Hạnh (SN 1971) sinh ra trong gia đình trí thức nghèo ở Trà Ôn. Lòng kính trọng và biết ơn cha mẹ là tiền đề tốt để cho Thầy luôn cố gắng học hành. Ngay từ thời tiểu học, Thầy đã là một học sinh rất siêng năng, luôn làm cho cha mẹ hài lòng vì bao giờ cũng đứng đầu lớp.

Thuở bé đã có duyên với nhà Phật, thầy từ Trà Ôn vùng sông nước ngược lên tận đất Sài thành và xuất gia tại chùa Ấn Quang tháng 6/1981. Thượng tọa trẻ Thích Minh Hạnh được gần gũi với đạo Phật, với các bậc tôn túc uy đức, tinh thần cầu tiến chịu khó trở thành động lực mạnh mẽ khiến Thầy chu du khắp nơi để học hỏi kiến thức Phật pháp và cuối cùng đã chọn vùng đất Long Thành, tỉnh Đồng Nai để dừng chân.

Long Thành có vẻ nguyên sơ kỳ thú, kích thích sự tò mò, khám phá một ngôi chùa xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa. Bước vào cổng tam quan tạc bằng đá Bửu Long, 2 bên chùa có 18 vị La hán, giữa có 1 tháp 7 tầng độc đáo toàn bộ bằng đá ong.

Thượng tọa Thích Minh Hạnh

Thượng tọa Thích Minh Hạnh

Từ năm 1996, giữa khu vườn cây ăn trái mênh mông mọc lên ngôi chùa lá. Vào thời điểm này, tiếng kinh Phật không át nổi điệp khúc của ếch, nhái nổi lên hàng đêm. Một số người dân nơi đây còn hẹp hòi về quan niệm địa phương và ngoại xứ đã gây khó khăn cho việc xây dựng chùa. Nhưng tấm lòng đạo hạnh của Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã dần dần cảm hóa được họ và ngày nay họ đã trở thành những “hộ pháp” của chùa một cách trung thành, đáng quí.

Nền gạch, chiếu thô, chén cơm chay của chùa cũng là nơi dừng chân của biết bao người lang thang, cơ nhỡ. Vài em sinh viên tá túc ít hôm rồi lại ra đi, có những người một đời rong ruổi bỗng ngã ngựa nửa chừng cũng tìm đến nơi đây như con chim về núi ngự làm dịu nỗi đau của một số nhân sinh, làm hài hòa một ý niệm sống giữa nghĩa đạo tình đời.

Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết: “Khi khoác áo cà sa, tôi luôn tâm niệm phải học đạo, tu tâm theo lời Phật dạy. Lúc nào cũng đầy lời kinh tiếng kệ, khách thập phương nô nức dâng hương lễ Phật mà phải cái tâm hỉ trải lòng trên niềm vui sướng của nhân sinh đem cái tâm từ mà giáo hóa những ai còn nặng nghiệp chướng tai hơn thiệt. Lời kinh cầu như nắng sớm đầu mùa làm chảy tan giọt trần ai trên vài người còn lạc dòng bến đục”.

Hình ảnh chùa và bảo tháp

Mấy năm gần đây, trụ trì chùa Tu viện Hạnh Chiếu, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã cùng tăng chúng trong vùng trùng tu các hạng mục, chất liệu bằng đá ong từ trong ra ngoài. Lớp nhà trước là chánh điện, lớp nhà sau là hậu Tổ, bàn thờ được thiết trì theo cổ truyền. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến sự phát triển của chùa.

Xuất phát từ tấm lòng từ bi, luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, từ năm 2011, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã vận động kêu gọi đạo hữu được 24 tỷ đồng, thực hiện hàng trăm chuyến từ thiện ở khắp mọi miền đất nước. Vì làm từ thiện nhiều nơi, Thầy thấm thía nỗi đau của từng số phận, mảnh đời, trong tâm Thầy luôn mơ tới những gì toàn vẹn hơn. Với chỗ đứng trong lòng Phật tử và người dân, cũng như uy tín tạo dựng được, Thượng tọa Thích Minh Hạnh thường xuyên được các chùa, các đạo tràng khắp nơi mời về giảng đạo với tâm niệm đem giáo pháp cao quý của Đức Phật đến cho các đồng bào Phật tử ở vùng sâu, vùng xa.

Thầy bật mí: “Vừa qua, chùa được Trung tâm Sách kỷ lục giám định để xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam ngôi tháp 7 tầng bằng đá ong có một không hai”.

Quang Đạt

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thuong-toa-thich-minh-hanh-tam-hanh-dao-giup-doi-d75520.html