Thượng tọa Thích Đức Thiện: Sư Toàn không có quyền sở hữu tài sản

Đó là khẳng định của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội (GH) Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký GH. Tài sản của sư Toàn do GH định đoạt. Đồng thời, không có chuyện lẫn lộn giữa tiền sư và tiền chùa. Tài sản tại chùa đều do tăng đoàn quản lý.

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Xác minh sư Toàn có 300 tỷ?

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sau khi GH nhận được báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo (BTSPG) tỉnh Vĩnh Phúc về buổi họp có sự hiện diện của sư Toàn, Ban Thường trực Hội đồng (HĐ) TS có Văn bản số 275 ngày 4/10/2019 chỉ đạo BTSPG Vĩnh Phúc tiến hành kỷ luật sư Toàn.

Vị sư này vi phạm về đạo hạnh, về giới luật, Phật chế, vi phạm Hiến chương của GH, vi phạm những quy định pháp luật của Nhà nước về trật tự xây dựng, nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt bằng tiền, BTSPG huyện Tam Đảo cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn sai phạm.

Sau công văn của HĐTS tiến hành xem xét kỷ luật sư Toàn, khi đó BTSPG Vĩnh Phúc nhận được tờ trình xin hoàn tục. Bởi, chính thầy Toàn cũng nhận thấy mình không xứng đáng là vị tỳ kheo người xuất gia, làm ảnh hưởng đến chư tăng và hình ảnh GH.

Sau đó, BTSPG tỉnh có quyết định thu hồi chức trụ trì chùa Nga Hoàng của sư Toàn. Trong đó yêu cầu Ban Tăng sự của BTSPG tỉnh tiến hành nghi thức xả giới cho hoàn tục theo đúng luật Phật chế. Đó là hình thức kỷ luật thầy Toàn.

Tuy nhiên, tại buổi họp chiều ngày 5/10, sư Toàn đề nghị sau khi hoàn tục và bàn giao chùa Nga Hoàng, xin được giữ lại tài sản thầy đứng tên mà theo thầy phát ngôn là 200-300 tỷ đồng.

Nhìn chung, dư luận xã hội có nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề sở hữu tài sản này. Đồng thời, Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó BTSPG tỉnh trả lời báo chí xoay quanh đề nghị này của sư Toàn.

Đối với vấn đề này, Đại đức Vượng có ý kiến như báo chí đã nêu. Trong mấy ngày qua dư luận tranh luận về việc sở hữu tài sản này và phát ngôn của BTSPG tỉnh đúng hay chưa?

“Về sự việc này, TƯGH đã chỉ đạo BTSPG Vĩnh Phúc: Thứ nhất là phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản như sư Toàn nói và có hay không tài sản như thầy phát ngôn. Con người thầy Toàn theo báo cáo của Đại đức Thích Thanh Phương là Trưởng BTSPG huyện Tam Đảo thì thầy Toàn phát ngôn nhiều khi không đúng, như người mộng du và Đại đức Phương nói không tin thầy Toàn có tài sản như thầy phát ngôn. GH cũng đã đề nghị các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp làm rõ nguồn gốc tài sản, có hay không có giá trị tài sản như thầy Toàn phát ngôn”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, GH cũng đã liên hệ trực tiếp với Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp với BTSPG tỉnh sớm làm rõ vấn đề này. Chúng tôi nhận được báo cáo rất nhanh là hiện nay thầy Toàn đang đứng tên hơn 6.000m2 đất mà thầy tự mua ở xung quanh chùa Nga Hoàng. Nguồn gốc đất này là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Tuy nhiên chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai.

“Dù có đúng hay không đúng theo Luật Đất đai, sở hữu tài sản của thầy Toàn, theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì mình đang sử dụng (ở đây Luật Phật không nhấn mạnh đến sở hữu tài sản mà nói đến sử dụng tài sản) thì những tài sản đó đều thuộc về tăng (chúng ta phải hiểu đây là Tăng đoàn), là GH và đến khi vị tỳ kheo chết đi, cái được coi là tài sản trên mình là 3 tấm y cà sa cũng phải chuyển lại cho tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định. Y cứ theo Luật Phật thì sư Toàn không có quyền sở hữu tài sản”, Thượng tọa nhắc lại.

Tài sản thuộc về Tăng đoàn

Căn cứ theo Hiến chương GHPGVN, tài sản thuộc về GH, chùa, tự viện, cơ sở tôn giáo là tài sản của GH và căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự TƯ thì GH mới có quyền định đoạt tài sản thuộc cơ sở tự viện.

Nội quy Ban Tăng sự TƯ cũng quy định rất rõ là nếu khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện tức thuộc Tăng. Ví dụ trước khi thầy Toàn được bổ nhiệm trụ trì, thầy Toàn có một khối tài sản nào đó tôi không biết, nhưng sau khi được bổ nhiệm trụ trì, thầy Toàn sở hữu cho mục đích của cơ sở tự viện đó thì tài sản thuộc về Tăng đoàn, thuộc về GH và GH có quyền định đoạt tài sản đó. Do vậy cho nên thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản và cái việc mà thầy có thể lý luận do công đức cá nhân thì tôi đã nói rồi, cá nhân thuộc về Tăng đoàn, mà tài sản đó nếu thầy không còn là hiện diện của Tăng đoàn, của Tam bảo, thì không được nhận.

Ví dụ bố mẹ thầy Toàn có một tài sản hợp pháp và phân chia theo thừa kế của gia đình, thì chỉ đúng với Luật Dân sự, không đúng với Luật Phật vì Luật Phật có quy định “cắt ái từ thân”, có nhận cũng thuộc về Tăng đoàn chứ không phải sở hữu cá nhân.

Do vậy dù thế nào thì thầy Toàn cũng không có quyền khẳng định đó là tài sản của mình và không được phép nhận lại tài sản mà quyết định tối cao là GH, GH có quyền định đoạt tài sản. Cho nên căn cứ theo Luật Phật, căn cứ theo Hiến chương, căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự TƯ thì thầy Toàn không được quyền nhận lại tài sản. Việc đề nghị là việc của thầy còn quyết định là việc của GH.

Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ, qua việc này, cũng có nhiều cái để rút kinh nghiệm. Thứ nhất là về quản lý Tăng sự, các vấn đề chưa được sát sao, nghiêm minh khi thầy Toàn đã nhiều lần vi phạm mà không giải quyết triệt để. Thứ hai trong cách giải quyết công việc chưa có sự tham vấn trực tiếp với Ban Thường trực HĐTS, cho nên có một số phát ngôn như vậy. Khẳng định lại ở đây mong muốn nhìn nhận rằng GH không có niềm tin là thầy Toàn có khối tài sản như vậy, đang yêu cầu phải xác minh làm rõ có hay không số tài sản đó và nếu có thì nguồn gốc nó như thế nào. Còn việc quyết định tài sản thầy có sở hữu thế nào thì do GH quyết định và cái đó thuộc về Tăng, thuộc về chùa Nga Hoàng và GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc.

Cái ô tô nếu có mang tên thầy Toàn, xác minh nguồn gốc tài sản thì cũng y cứ theo Luật Phật, cũng là tài sản của chùa. Việc thầy xin lại thì do GH có cho phép thầy sử dụng hay không là thuộc quyền của GH.

Trả lời câu hỏi của PV: GH có biện pháp nào buộc thầy Toàn bàn giao lại không?

“GH sẽ làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc buộc sư Toàn phải thực hiện theo đúng quy định.

Cụ thể hiện nay, về cơ bản tôi nắm được thì thầy Toàn chỉ có 2 tài sản mà chúng ta thấy được là hơn 6.000m2 đất thì GH đã trao đổi với Ban Tôn giáo tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và địa phương đã có quyết định thu hồi đất đó. Hiện nay thầy hoang tưởng trong khối tài sản mấy nghìn mét vuông đất mà nói thế chứ không có gì cả”, Thượng tọa nói.

Đây là một câu chuyện không chỉ buồn mà rất buồn nhưng đó cũng chỉ là thiểu số. Hai là, cũng thật sự mà nói, đối với chúng tôi thì đối tượng trong trường hợp này không bình thường. Nếu nói ra thì dư luận cho rằng hay là các thầy đổ cho thế nhưng thực chất là như vậy.

Không lẫn lộn tiền chùa - tiền sư

Thời gian tới, GH sẽ siết chặt hơn nữa vấn đề đầu vào đặc biệt là xin xuất gia nhập tu để tăng chất lượng ở chỗ xem xét về mặt lý lịch, tâm nguyện một cách sâu hơn, kéo dài thời gian thử tu, thử thách. Xã hội hiện nay phát triển, việc cấm túc trong chùa hiện nay không hề đơn giản, đồng thời nhu cầu của xã hội về đời sống tâm linh tôn giáo cũng rất cao. Nên việc các chùa thiếu chư tăng cũng rất nhiều. Ở Việt Nam, mỗi thôn một chùa, có thôn tới 2 chùa. Chùa nào cũng mong có sư thầy. Sự vội vã đó cũng chính là nguyên nhân làm giảm đi chất lượng, nảy sinh những vấn đề về đạo hạnh.

Một vấn đề nữa là, nạn giả sư xuất hiện ở miền Nam rất nhiều hay ở phía Bắc thì có người giả sư từ nước ngoài sang Việt Nam. Đó là vấn đề cũng mong muốn trong thời gian tới có sự vào cuộc của toàn xã hội, có sự phối hợp của chính quyền.

Những sự việc xảy ra thời qua ảnh hưởng đến hình ảnh của GH, nên tôi rất buồn. Đạo Phật là tôn giáo của hòa bình, từ bi, trí tuệ.

Tôn giáo như một tờ giấy trắng, một chút bụi thôi thì cả xã hội nhìn nhận rất có vấn đề, bởi vì đó là biểu tượng của niềm tin, biểu tượng của đạo đức xã hội, biểu tượng của đạo hạnh.

Việc lẫn lộn tiền chùa và tiền sư, có những Phật tử rất rõ ràng, đến chùa thì phần này công đức cho chùa, phần này công đức cho thầy. Về cơ bản như vậy thì tiền công đức cho chùa phục vụ cho các hoạt động chung của chùa, từ thiện, an sinh xã hội. Tiền công đức cho thầy, thầy sử dụng cho mục đích của thầy nhưng tất cả mục đích gì cũng phải phục vụ cho Đạo theo Hiến chương của GH.

Trong Nội quy Ban Tăng sự TƯ cũng rõ là chúng ta sử dụng theo đúng mục đích, chủ trương của GH chứ không phải cho mục đích cá nhân không đúng. Đây là một phạm vi, quan niệm để phân biệt giữa ranh giới công đức cho chùa và công đức cho thầy. Dù là mục đích cho cá nhân thầy sinh hoạt, đi lại, thì phục vụ cho quảng pháp chứ không phải để thầy sử dụng cho mục đích không đúng quy định của GH.

Tôi xin khẳng định, tài sản của chùa, tiền công đức của tín thí là tài sản chung, không có việc lẫn lộn. Trụ trì là đại diện của Tăng đoàn, cho Tam bảo, nên việc tiếp nhận công đức không thể xác lập tài sản đó là của thầy. Các Phật tử cũng nên hiểu là cúng gì thì cúng, cũng là cúng cho Tăng đoàn.

Dù có xác minh khối tài sản thế nào, GH sẽ định đoạt, kể cả việc sư Toàn bắt buộc phải ra đi mà không có tài sản gì cả.

Về luật pháp có chồng chéo nhưng phía GH phải xử lý theo GH, theo Luật Phật chế.

Trà Vân

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/thuong-toa-thich-duc-thien-su-toan-khong-co-quyen-so-huu-tai-san_t114c1159n155073