Thường Tín (Hà Nội): Một dự án có quá nhiều… khuất tất?

UBND huyện Thường Tín ban hành thông báo thu hồi 978m2 đất của gia đình cụ Phan Thị Lương tại thị trấn Thường Tín để xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao của huyện. Tuy nhiên, quy trình thu hồi đất của dự án này xem ra còn rất nhiều 'khuất tất'… TCDN -

 Ngôi nhà của lão thành cách mạng Phan Thị Lương và Lê Thành Tài cách UBND huyện Thường Tín khoảng 100m, trên trục đường Nguyễn Du

Ngôi nhà của lão thành cách mạng Phan Thị Lương và Lê Thành Tài cách UBND huyện Thường Tín khoảng 100m, trên trục đường Nguyễn Du

Một gia đình cán bộ kiểu mẫu.

Cụ Phan Thị Lương, sinh năm 1928, quê ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cụ Lương tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng CSVN ngày 04/10/1945. Chồng cụ Lương là cụ Lê Thành Tài, sinh năm 1921, quê ở Long An, ra Bắc tập kết, cũng là người tham gia hoạt động cách mạng cùng thời. Trước khi được nghỉ hưu, từ năm 1969 đến 1984, cụ Lương là Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây cũ). Cụ Tài là sỹ quan, công tác tại Bộ Công an. Suốt thời gian công tác ở huyện Thường Tín, vợ chồng cụ Lương cùng 4 người con ở trong các khu nhà nội trú của cơ quan.

Hình ảnh về một gia đình lão thành cách mạng mẫu mực một thời, vẫn hằn in trong ngôi nhà cụ Lương

Ngày 05/5/1980 cụ Lương có “Đơn tình bày” gửi Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp xã Văn Phú (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) xin cấp đất ở. Nội dung đơn cụ Lương viết: “Tôi là Phan Thị Lương, cán bộ huyện Thường Tín. 2 vợ chồng tôi quê ở xa. Nhà tôi quê Long An miền Nam. Tôi quê ở Nghệ Tĩnh, thoát ly từ năm 1945, đến nay trên 30 năm công tác chưa có nhà cửa. Nay tôi định xây gian nhà khi tuổi già có chộ (chỗ) ăn ở. Vậy kính đề nghị Đảng ủy, Ủy ban và Ban quản trị cùng nhân dân xã Văn Phú cho chúng tôi xin chộ (chỗ) đất và tý ao (dó là Thùng Đấu, không thuộc ruộng canh tác) hiện nay đội công trình đang ở. Kính mong Đảng ủy, Ủy ban, Ban Quản trị và toàn thể nhân dân duyệt cho”.

Đơn cụ Lương được Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín ghi: “Chứng nhận: Căn cứ đơn trình bày của đ/c Lương cán bộ UBND huyện là đúng. Hoàn cảnh gia đình 2 vợ chồng thoát ly, nhà cửa không có. Đề nghị UBND xã và Ban Quản trị HTX Văn Phú tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng chí Lương”.

Tiếp nhận đơn cụ Lương kèm theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng UBND huyện Thường tín đề ngày 06/5/1980, ngày 14/12/1980, Chủ tịch UBND xã Văn Phú có bút phê: “Thống nhất giải quyết để chị Lương một mảnh đất theo đơn đề nghị để làm nhà”.

Ông Phạm Văn Tập- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín (người mới được giao nhiệm vụ này) không thừa nhận những thông tin về thửa đất được ghi trong sổ mục kê do UBND thị trấn Thường Tín đang quản lý nhưng không đưa ra được tài liệu nào khác để bác bỏ "sổ mục kê" này.

Sau khi được giao đất, gia đình cụ Lương đã làm 1 ngôi nhà cấp 4 và một số công trình sinh hoạt khác. Cuộc sống đạm bạc của một gia đình công chức cách mạng trong ngôi ngà cấp 4 và mảnh ao trước nhà cứ êm đềm trải qua năm tháng. 4 người con của cụ Lương là: Lê Thắng Đức, Lê Thị Hồng, Lê Thị Nhung và Lê Thành Trí được ăn học chu đáo và trưởng thành trên thửa đất và mảnh ao này. Năm 2000, cụ Tài qua đời, 11 năm sau, cụ Lương cũng tạ thế trong ngôi nhà trên thửa đất ấy. Trước khi cụ Lương qua đời, Huyện ủy Thường Tín đã kịp đến bên giường bệnh, trao cho cụ Lương tấm Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng- như một nghĩa cử ghi nhận một đời tận tụy vì nước, vì dân.

Điếu văn tiễn đưa cụ Lương do lãnh đạo huyện Thường Tín viết và đọc tại lễ truy điệu, đã ghi lại những cống hiến của cụ Lương cho đất nước, cho mảnh đất Thường Tín thân yêu này. Ngôi nhà cụ Lương vẫn còn lưu giữ những bằng khen, huân, huy chương, kỷ vật, về một đời hoạt động, cống hiện của 2 vợ chồng cán bộ lão thành.

Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chinh phủ) tặng cụ Lê Thành Tài

Tri ân kiểu… mới

Năm 2017, UBND huyện Thường Tín triển khai thực hiện Dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao của huyện. Vị trí mà dự án thu hồi đất là 8 hộ gia đình thuộc tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín, trong đó có toàn bộ diện tích đất thổ cư và đất ao của gia đình cụ Lương.

Mặc dù chưa có quyết định phê duyệt dự án cũng như quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện dự án, nhưng ngày 27/10/2017, UBND huyện Thường Tín đã ban hành “Thông báo thu hồi đất” số 245/TB-UBND. Theo thông báo này, Dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thường Tín chỉ mới được UBND TP Hà Nôi phê duyệt “chủ trương đầu tư” mà chưa có quyết định thu hồi đất. Thế nhưng, đầu năm 2019, UBND huyện Thường Tín đã thu hồi 595,9m2 đất ao (đã được san lấp và xây tường bao năm 2007) của gia đình cụ Lương nhưng chỉ bồi thường 43 triệu đồng. Do không nắm được các quy định pháp luật và thiếu một số giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, nên các con của cụ Lương đã phải chấp nhận tạm giao đất cho UBND huyện Thường Tín.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thường Tín đã được xây dựng từ lâu, trên khu đất rất rộng, vậy sự thật về dự án mà UBND huyện Thường Tín hiện nay đang thu hồi đất của 8 hộ dân là gì? Tại sao UBND huyện Thường Tín không cung cấp được những tài liệu liên quan đến dự án như đề nghị của Tạp chí Người Xây dựng?

Phần đất thổ cư còn lại (978m2) kèm theo ngôi nhà cấp 4 và một số công trình liên quan như: Sân, nhà bếp, bể nước, nhà để xe, nhà về sinh…, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện này tách ra 332,5m2 đất ở và 645,5m2 đất nông nghiệp. Theo đó, mức giá bồi thường, hỗ trợ cho mỗi m2 đất ở được “áp” là 10,544 triệu đồng và đất nông nghiệp là 150 ngàn đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở vị trí tái định cư (vị trí không đẹp bằng vị trí di dời) lại được UBND huyện Thường Tín áp giá là 10,463m2.

Theo dự thảo phương án bồi thường GPMB mà Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thường Tín gửi cho gia đình cụ Lương, vào năm 1985-1990, cụ Lương đã nhận 180m2 đất tái định cư của dự án này tại xóm Mới (tiểu khu Trần Phú, thị trấn Thường Tín). Tuy nhiên, các con cụ Lương không hề biết được thông tin này và UBND huyện Thường Tín cũng không chứng minh được bằng các văn bản liên quan.

Nằm trên trục đường Nguyễn Du cùng với văn phòng UBND huyện Thường Tín, nếu phải di dời, 4 người con của gia đình cụ Lương chỉ được nhận 120m2 đất tái định cư và 505 triệu đồng cho việc bàn giao 978m2 đất ở vị trí rất đẹp này.

Từ những căn cứ thiếu thuyết phục nêu trên, nếu phải rời ngôi nhà gắn bó một phần cuộc đời hoạt động của vợ chồng cụ Lương, 4 người con của 2 cụ chỉ nhận được 1,7 tỷ đồng đối với 978m2 đất. Điều đáng nói là, vị trí thửa đất nằm trên tuyến đường Nguyễn Du và chỉ cách trụ sở UBND huyện Thường Tín khoảng 100m. Nếu đối trừ 120m2 đất tái định cư với số tiền phải nộp là 1,255 tỷ đồng, gia đình cụ Lương chỉ còn được nhận lại 505 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với phóng viên sáng ngày 21/9, ông Phạm Văn Tập- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín không thừa nhận những thông tin về thửa đất được ghi trong sổ mục kê và luôn khẳng định rằng: “Chúng tôi làm đúng”. Thế nhưng, cho đến nay, ông Tập không cung cấp được các tài liệu liên quan đến quy trình phê duyệt dự án, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của UBND TP Hà Nội ban hành.

Các con của cụ Lương cũng tham gia tích cực công tác xã hội và luôn giữ gìn truyền thống gia đình

Phải chăng, các phòng, ban chức năng liên quan đến công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Thường Tín về dự án này đã thực hiện không đúng quy trình, có những khuất tất, bất thường trong việc triển khai dự án?

Tạp chí Người Xây dựng sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc về những “bí ẩn” liên quan đến nguồn vốn, quy trình, chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án này.

Theo Tạp chí Người Xây dựng

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thuong-tin-ha-noi-mot-du-an-co-qua-nhieu-khuat-tat-d16070.html