Thường Tín - Hà Nội: Có đang 'làm ngơ' trước sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp?

Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội, đất dự án nhà máy chế tạo thiết bị tự động và cơ khí thủy lực, đất nông nghiệp được 'hô biến' thành xưởng chế biến gỗ.

Các hoạt động sản xuất này không những đang vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đê sông Hồng mà còn sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

Doanh nghiệp tự ý “xẻ thịt” đất dự án

Theo Quyết định số 1959, ngày 02/07/2008 của UBND tỉnh Hà Tây, 31.332,8 m2 đất UBND xã quản lý tại xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) được thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thành đất kinh doanh và giao cho Công ty Cổ phần Chế tạo máy Hồng Hà thuê để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy chế tạo thiết bị tự động và cơ khí thủy lực. Trong đó, 26.816,35m2 được giao cho phía Công ty thuê để xây dựng nhà máy; 4.516,35 m2 là diện tích thuộc hành lang giao thông không được xây dựng công trình, gây ảnh hưởng và phải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Quyết định giao đất ghi rõ tại khoản 3 Điều 2 Công ty Hồng Hà phải sử dụng đất đúng mục đích

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp này hiện nay không sử dụng hết diện tích đất mà cho một số đơn vị (cụ thể là Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Đức Tuấn và Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Ái Linh) thuê lại một phần diện tích đất để sản xuất, kinh doanh gỗ. Tất cả nhà xưởng tại đây đều ngang nhiên xây dựng trên đất dự án xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị tự động và cơ khí thủy lực trước sự “làm ngơ” của chính quyền địa phương và UBND huyện Thường Tín.

Tại khu vực đất dự án, nhiều công trình kiên cố và nhà xưởng được dựng lên và treo biển của công ty Đức Tuấn và Ái Linh chuyên chế biến, sản xuất gỗ và rất nhiều sản phẩm khác. Không thể nhận ra đây là một dự án xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị tự động và cơ khí thủy lực.

Đất tại dự án của Cty Hồng Hà nhưng lại treo biển của Công ty Đức Tuấn

Đất nông nghiệp “hô biến” thành... nhà xưởng

Không chỉ dừng lại ở đó, hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại khu vực giáp ranh với xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì cũng bị các doanh nghiệp nói trên mua lại của người dân để xây dựng nhà xưởng.

Ghi nhận tại khu vực giáp ranh giữa xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, chúng tôi thấy hàng nghìn mét vuông nhà xưởng mọc lên được xây dựng kiên cố, nhiều nhà xưởng mới hoàn thiện được xây dựng kiên cố và đang treo biển “cho thuê nhà xưởng” ngay sát chân đê.

Việc các công ty tư nhân xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp khi chưa được cấp phép được xác định là hành vi xây dựng trái phép. Ngoài bị xử phạt hành chính ra, công trình xây dựng trái phép sẽ bị buộc phải tháo dỡ. Theo khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như sau:

"Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này)".

Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng quy định rất rõ về hình thức xử phạt do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình. Với diện tích đất nông nghiệp “biến tướng” thành nhà xưởng, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (nếu là tổ chức thì phạt gấp đôi). Các doanh nghiệp tự ý thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp cũng bị xử phạt tương ứng theo Nghị định này.

Doanh nghiệp ngang nhiên mang nhà xưởng “đặt” trên đê

Hiện nay, doanh nghiệp Đức Tuấn và Ái Linh đang lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều để mở rộng kho chứa, xưởng sản xuất. Bên cạnh đó doanh nghiệp này đang xây dựng nhà xưởng kiên cố vài nghìn m2 trái phép.

Tại Điều 23: Luật Đê điều quy định phạm vi bảo vệ đê điều như sau: Hành lang bảo vệ đê được quy định: Đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển.

Chiếu theo luật định, phải chăng doanh nghiệp Đức Tuấn và Ái Linh đang vi phạm nghiêm trọng luật đê điều khi “ngang nhiên” đem nhà xưởng “đặt” lên mái đê sông Hồng?

Vậy việc xử lý những sai phạm trên như thế nào? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo xã Ninh Sở và UBND huyện Thường Tín trả lời.

Chính quyền, cơ quan chức năng ở đâu?

Để có thông tin đa chiều về tình trạng các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê, PV đã liên hệ làm việc với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Ninh Sở.

Theo ông Đỗ Cao Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở, UBND xã Ninh Sở được UNBD tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho quyết định giao đất cho công ty Hồng Hà. Xã chỉ quản lý về mặt hành chính, và diện tích được giao dựa trên Quyết định số 1959/ QĐ – UBND của tỉnh Hà Tây (cũ), còn về vấn đề giấy phép, quy trình, quy mô cũng như cách sử dụng như thế nào thì phía UBND xã không nắm được. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND huyện, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nay là UBND TP. Hà Nội.

Liên quan đến sai phạm của công ty cổ phần chế tạo máy Hồng Hà, vị đại diện xã cho biết, UBND huyện Thường Tín đã có rà soát và xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm trên như thế nào thì xã không nắm được. Mỗi khi xã Ninh Sở phối hợp với đoàn kiểm tra của huyện thì trên huyện đều lưu giữ biên bản và không gửi lại cho xã.

Khi được hỏi về việc công ty Đức Tuấn và công ty Ái Linh sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, ông Mạnh cho hay: “Giao đất cho hộ dân, người ta bỏ hoang ở đấy không cấy được, bán “chui” như thế nào thì không thể kiểm soát được”.

PV cũng đã nhiều lần liên hệ làm việc với UBND huyện Thường Tín, thậm chí đã gửi nội dung liên quan cho Phòng kinh tế huyện. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, PV vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía huyện Thường Tín.

Để các doanh nghiệp sai phạm trong thời gian dài mà không hề bị xử lý, phải chăng đang có sự “chống lưng”, “tạo điều kiện” của cán bộ xã Ninh Sở và huyện Thường Tín?

Câu hỏi này xin gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hthuong-tin-ha-noi-co-dang-lam-ngo-truoc-sai-pham-nghiem-trong-cua-doanh-nghiep-53899.htm