Thương tiếc NSND Trần Thị Tuyết: Cả cuộc đời gắn bó với ngâm thơ

'Giọng thơ của NSND Trần Thị Tuyết có cái mà dân gian hay gọi là 'nảy hạt' tức là độ rung rất quyến rũ'.

Do tuổi già sức yếu, NSND Trần Thị Tuyết qua đời ngày 28/11 tại nhà riêng, thọ 90 tuổi. Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết là người duy nhất trong lĩnh vực ngâm thơ nước ta được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (năm 2016).

Bà sinh năm 1931 tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hà Nội. Mẹ bà là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc. Bà đến với nghề ngâm thơ từ năm 1957 và được công chúng biết tới qua chương trình "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam.

NSND Trần Thị Tuyết.

NSND Trần Thị Tuyết.

NSND Trần Thị Tuyết là người có vinh dự được diễn ngâm những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời khắc giao thừa thiêng liêng mỗi độ xuân về. Năm 1962, bà được chọn vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chất giọng đặc biệt, trong vắt, NSND Trần Thị Tuyết còn ngâm những bài thơ đi cùng năm tháng của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Cao...

Nhạc sĩ-NSƯT Lương Nguyên chia sẻ, NSND Trần Thị Tuyết là người duy nhất chỉ có ngâm thơ trong sự nghiệp hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cùng thời với bà, còn có NSND Châu Loan, NSND Kim Đức cũng ngâm thơ nhưng các nghệ sĩ còn hát chèo, ca Huế... Riêng NSND Trần Thị Tuyết dành cả đời gắn bó với ngâm thơ.

NSND Trần Thị Tuyết là người ngâm thơ Bác Hồ nhiều nhất.
"Giọng bà rất đặc biệt, nếu trong dân ca phân ra giọng kim và giọng thổ thì giọng bà thuộc giọng kim, chất giọng rất trong sáng, rõ nét, có sức truyền cảm mạnh. Rất nhiều người yêu mến giọng của bà, đến giờ nghe lại vẫn thấy hay. Ở Đài, ngày xưa người ta chỉ nghe chứ không biết mặt nghệ sĩ. Cho nên đi ra đường, nếu nghệ sĩ không cất giọng thì người ta cũng không biết đó là nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi còn nhớ khoảng năm 1964, khi cả đoàn về đến Hưng Yên cũng là lúc trời đã nhá nhem tối, bà con ùa ra đón. Khi nghe giọng chị Tuyết, mọi người nhận ra ngay và bày tỏ lòng hâm mộ", nhạc sĩ-NSƯT Lương Nguyên kể lại.

Nhạc sĩ Dân Huyền.

Còn nhạc sĩ Dân Huyền đánh giá NSND Trần Thị Tuyết là người cực kỳ ham học: "Giọng thơ của NSND Trần Thị Tuyết có cái mà dân gian hay gọi là “nảy hạt” tức là độ rung rất quyến rũ. Tiếng thơ NSND Trần Thị Tuyết trong sáng, nhẹ nhàng, đặc biệt nhớ nhất lần thu tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, tôi được nghe bà Phúc (nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc-mẹ NSND Trần Thị Tuyết) ngâm thơ chữ Hán và bà Tuyết ngâm thơ tiếng Việt. Đó là ấn tượng không bao giờ quên trong cuộc đời. Ở NSND Trần Thị Tuyết luôn có tinh thần ham học hỏi, bà dành rất nhiều thời gian nghe băng, học cách luyến láy của dân ca, nghe bà đọc thơ lại có chất dân ca là vì vậy".

Khi còn sống, NSND Trần Thị Tuyết kể với tôi rằng, cụ Nguyễn Thị Phúc là người đã dắt bà đến Đài ngâm thơ, năm đó khoảng 1956-1957. Sau đó bà tự tìm cách học, ngâm, diễn ngâm, rồi trở thành giọng ngâm của chương trình Tiếng thơ. Hơn 60 năm, bà Trần Thị Tuyết gắn bó với làn sóng phát thanh. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những giọng ngâm thơ được chờ đợi mỗi tối chủ nhật là NSND Trần Thị Tuyết. Bà là nữ nghệ sĩ gắn bó cả đời với công việc ngâm thơ, và được vinh danh cao quý cũng ở nghề này", soạn giả Mai Văn Lạng đánh giá./.

Theo VOV

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202012/thuong-tiec-nsnd-tran-thi-tuyet-ca-cuoc-doi-gan-bo-voi-ngam-tho-2511431/