Thưởng thức bánh cuốn xứ Lạng

Bánh cuốn thì nhiều vùng quê cũng có nhưng không hiểu vì sao, mỗi khi ngược đường lên xứ Lạng (Lạng Sơn), những người ưa khám phá cái vị ngon của vùng cao lại bị hấp dẫn bởi món bánh cuốn của cư dân bản địa.

Bình dị quán gỗ bên đường

Lên xứ Lạng mùa nào cũng thế, bạn sẽ cảm nhận được tiết trời mát mẻ và tìm được sự thư thái tâm hồn khi đi vãn cảnh núi non, hang động, đền chùa. Khi đã cảm thấy đói bụng, dừng chân ở một quán nhỏ ven đường hay ở ngay chính giữa thành phố để chờ đợi một đĩa bánh cuốn ngon được tráng bởi bàn tay khéo léo của những cô gái người Tày, người Nùng để rồi ăn một lần mà nhớ mãi không sao quên được cái dư vị vừa lạ vừa ngon miệng của món bánh cuốn nơi đây.

Từ khi nào người dân xứ Lạng biết làm bánh cuốn để ăn và mang ra chợ bán? Điều đó chẳng ai biết và ghi lại, chỉ biết rằng đây là món ăn truyền thống của cư dân nơi đây, theo thời gian, trở thành một đặc sản và có thương hiệu nổi tiếng khắp mọi miền. Vì thế, cứ hễ đặt chân lên xứ sở này, dù có bận rộn với những cung đường, những điểm dừng chân thì người ta không quên thưởng thức một đĩa bánh cuốn cho thỏa nỗi mong chờ.

Không gian của những nhà hàng bánh cuốn ở Lạng Sơn không cầu kỳ, sang trọng mà hết sức đơn giản, bình dị như tính cách con người nơi đây. Có thể là quán tranh bằng gỗ lá, là ngõ hẻm, ven đường. Có thế, người ngồi ăn bánh mới cảm thấy thư thái, dễ chịu, không bị cái ồn ã làm phiền. Quán bánh cuốn ở xứ Lạng thường có chiếc bếp nhỏ, nồi nước để cuốn bánh, xô bột và dãy bàn nhỏ cùng nước chấm. Thế đã làm nên một không gian ẩm thực rồi.

Thơm vị gạo mới

Tuy nhiều vùng có bánh cuốn nhưng bánh cuốn ở xứ Lạng có một đặc trưng riêng. Gạo dùng để nghiền bột cuốn bánh phải là gạo ngon, gạo của vụ mới, trắng tinh để khi tráng thành bánh mới trắng và thơm ngon. Theo những người làm bánh cuốn ở đây thì gạo là nguyên liệu quan trọng quyết định những mẻ bánh thơm ngon.

Ở Lạng Sơn, người làm bánh không dùng nhân mộc nhĩ xào với thịt băm để làm nhân bánh mà dùng trứng gà và thịt băm nhỏ chưng lên để làm nhân. Vì thế, khi dừng chân ở một quán bánh cuốn nào đó, bạn có thể gọi cho mình loại bánh nhân trứng hay bánh nhân thịt, mỗi loại đều có một vị ngon riêng.

Lạ miệng bánh nhân trứng gà

Bánh cuốn nhân trứng khi ăn vừa mềm, vừa béo, vừa thơm. Sau khi láng lượt bột lên bề mặt khuôn, người tráng bánh đập một quả trứng gà so vào chính giữa bánh rồi dùng muôi dàn đều cho trứng được chín theo kiểu ốp lếp rồi dùng đũa gập bánh bọc lấy quả trứng theo hình vuông hoặc chữ nhật rồi mang lên cho khách thưởng thức ngay khi còn nóng hổi. Bánh nhân thịt thì chỉ cần rắc thịt đã băm và chưng mềm, màu nâu sẫm vào giữa bánh rồi cuốn tròn chiếc bánh lại.

Dư vị nước chấm và rau thơm

Trong khi chờ đợi, thực khách sẽ được chủ quán hướng dẫn cách pha chế nước chấm. Ở đây, nước chấm cũng đóng vai trò quan trọng làm nên cái ngon của bánh. Mỗi người ăn bánh sẽ được chủ múc cho một bát nhỏ trong đó có thịt băm chưng sột sệt. Người thưởng thức sẽ tự tay pha nước mắm, ớt, dấm, hạt mắc mật, hạt tiêu sao cho hợp với khẩu vị của mình. Bánh cuốn sẽ được ăn kèm với các loại rau thơm ở xứ Lạng.

Khi thưởng thức, bánh cuốn xứ Lạng sẽ để lại ấn tượng với du khách. Bánh hấp dẫn bởi màu trắng hòa với màu vàng của trứng, màu đỏ gạch của nhân thịt chưng. Bánh có vị béo, vị bùi, vị thơm của gạo, trứng, thịt hòa quyện. Khi ăn, bánh cuốn Lạng Sơn mềm và được ăn kèm với các loại rau thơm, gia vị nên để lại vị ngon khó quên.

Để làm nên những mẻ bánh ngon, người tráng bánh phải đều tay với sự khéo léo và nhanh nhẹn. Để cảm nhận được vị ngon của bánh cuốn xứ Lạng, khi đã ngồi vào quán, bạn không nên nóng lòng vì muốn có đĩa bánh ngon thì đòi hỏi người thưởng thức phải kiên trì chờ đợi.

Theo Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thuong-thuc-banh-cuon-xu-lang-3939397-b.html