Thưởng Tết, những cảm xúc trái chiều

Tết đã cận kề, người lao động đang thấp thỏm chờ mức thưởng. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít người lại có nỗi lo khác - quay cuồng tìm việc khi Tết đã cận kề.

Năm nay dự đoán mức thưởng Tết sẽ thấp hơn năm trước.

Năm nay dự đoán mức thưởng Tết sẽ thấp hơn năm trước.

Tết buồn của những lao động mất việc

35 tuổi, không bằng cấp, chị Nguyễn Thị My, công nhân Công ty Vinasun, khu công nghiệp (KCN) Thiện kế 2, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là đối tượng phải nghỉ việc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, thu nhập từ đồng lương công nhân là chỗ dựa duy nhất của 3 mẹ con. Nghỉ việc nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ, tiền hỗ trợ từ Nhà nước, chị chuyển sang đi buôn. Buôn được vài tháng thì phải bỏ giữa chừng vì hàng ế ẩm. Để có tiền nuôi con, chị chuyển sang làm bốc vác, ai thuê gì làm nấy.

Gần Tết, nhiều doanh nghiệp trong KCN có đơn hàng sản xuất, rậm rịch đăng tuyển lao động, chị tất tả làm hồ sơ với mong muốn có được công việc ổn định. Thế nhưng dù đã nộp gần 10 bộ hồ sơ, chị My vẫn chưa nhận được một cuộc hẹn phỏng vấn. “Mọi năm thời điểm này đang hồi hộp đợi thưởng Tết, năm nay thì chỉ mong nhận được cuộc điện từ nhà tuyển dụng. Không có việc làm, mong một cuộc sống thường nhật của 4 mẹ con no đủ đã khó chứ mong gì có được cái Tết đầy đủ” - chị My nghẹn ngào nói.

Tốt nghiệp Đại học loại khá chuyên ngành du lịch, nói thông thạo được hai thứ tiếng, chị Thu Hương, quận Đống Đa, TP Hà Nội không thể ngờ có ngày mình lại thất nghiệp. Nghề hướng dẫn viên du lịch là một trong những nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dù có chuyên môn, kinh nghiệm nhưng đầu tháng 11 chị cũng thuộc diện phải nghỉ việc vì công ty không thể cầm cự. Thất nghiệp, chị đi xin làm trái ngành nhưng đều thất bại vì việc thì ít mà ứng viên xin tuyển thì nhiều. Không xin được việc, chị chuyển sang bán hàng online. Chồng chị là kỹ sư xây dựng, nhưng cũng được công ty cho tạm nghỉ việc vì hết dự án.

“Chỉ mong Tết qua thật nhanh, dịch Covid được kiểm soát tốt để hai vợ chồng có việc. Chưa năm nào có cảm giác sợ Tết như năm nay…”- chị Hương chia sẻ.

Tết Tân Sửu không chỉ là cái tết buồn của chị My, chị Hương mà còn là câu chuyện buồn của hàng chục nghìn người lao động. Thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy, thị trường quý IV năm 2020 đã có nhiều khởi sắc, số người có việc làm tăng, tuy nhiên tính chung cả năm, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, với hơn 70% người lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng.

Lương giảm, thưởng Tết không cao

Hiện nay, dù Bộ LĐTBXH chưa công bố kết quả lương, thưởng Tết, tuy nhiên từ báo cáo từ nhiều địa phương cho thấy, mức thưởng Tết năm 2021 khó khăn hơn và dự đoán sẽ thấp hơn năm 2020. Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, kết quả tổng hợp sơ bộ từ báo cáo của các địa phương cho thấy, lương bình quân trong năm 2020 của người lao động giảm từ 7- 8% so với năm 2020. Mặc dù các DN đều cam kết thưởng Tết cho người lao động, nhưng với mức lương bình quân giảm, chắc chắn mức thưởng Tết người lao động sẽ giảm.

Khảo sát sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, thu nhập của người lao động năm nay bình quân đạt 6,7 triệu đồng một người/tháng, giảm 8,6% so với năm ngoái. Có khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập; trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid các Bộ, ngành, địa phương đã lên phương án hỗ trợ người lao động có được cái Tết đầm ấm và đầy đủ. Giải pháp này được đánh giá là kịp thời và cần thiết nhằm đảm bảo mọi người dân, nhất là đối tượng yếu thế có được cái Tết đầm ấm. Tuy nhiên theo các chuyên gia lao động, giải pháp dài hạn và bền vững là cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong 5 năm qua, dù Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, tuy nhiên chất lượng cũng như năng suất lao động thấp không bền vững. Dịch Covid-19 chính là bằng chứng cho thấy những lỗ hổng về đào tạo nguồn lao động, thị trường lao động thiếu liên kết và dễ bị tổn thương.

Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2020, khoảng 1,348 triệu người lao động được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, nên nhìn chung cơ hội việc làm giảm, nhiều người khó tìm được việc làm chất lượng.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuong-tet-nhung-cam-xuc-trai-chieu-550010.html