Thương tâm cô giáo vùng sâu bị TNGT: 'Không còn tay, tôi lấy gì đi dạy?'

Tỉnh dậy sau vụ tai nạn, cô Tiền nhìn chồng và đồng nghiệp hỏi khẩn thiết: 'Cánh tay tôi đâu rồi? Không còn tay, tôi lấy gì đi dạy?'.

Tai nạn khi đến trường, cô giáo mất cánh tay

Vào khoảng 4 giờ sáng 9-9, mặc cho những cơn mưa kéo dài và hơi lạnh tỏa ra từ núi rừng ngút ngàn, cô Trần Thị Bá Tiền (SN 1984) dắt chiếc xe máy ra và lên đường đến trường.

Quãng đường từ nhà ở xã Đắk H’lơ, H.Kbang, Gia Lai đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông (xã Hà Đông, H.Đắk Đoa, Gia Lai) – nơi cô Tiền dạy môn Âm nhạc khoảng 130km. Đến 8 giờ kém, khi còn cách trường khoảng 10km, cô Tiền gặp tai nạn tại con đường rừng. Cánh tay trái của cô bị bánh xe tải chở mì chèn qua, dập nát.

Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Đắk Đoa, cô Tiền tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai rồi Bệnh viện Quân Y 211 để mong cứu lấy cánh tay. Tại Bệnh viện Quân Y 211, các bác sĩ dù đã cố gắng hết sức nhưng đã phải làm điều không mong muốn, cắt bỏ phần cánh tay bị thương của cô Tiền.

Anh Công phải để 2 con nhỏ ở nhà lên viện chăm sóc vợ

Anh Công phải để 2 con nhỏ ở nhà lên viện chăm sóc vợ

Hiện cô Tiền vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện, tuy nhiên việc cắt đi cánh tay, là mất mát quá lớn đối với 1 cô giáo tuần nào cũng có chuyến hành trình vượt 260km (cả đi và về bằng xe máy) để đến trường dạy học.

Dù được người nhà và đồng nghiệp luôn động viên, nhưng không ai ngăn được những giọt nước mắt của cô Tiền. Chúng tôi đứng bên giường bệnh, nghe những lời từ tâm can của cô Tiền mà không cầm được nước mắt.

Cô Tiền kể lại giây phút ám ảnh cô suốt mấy ngày qua: "Hôm đó sáng thứ 2, trời mưa, không chào cờ nên tôi đi lúc 4 giờ sáng, thay vì 3 giờ như các tuần trước. Khoảng 8 giờ kém, khi cách trường chỉ còn khoảng 10km, thì tôi thấy xe tải chở mì đi ngược chiều.

Đường nhỏ, chiếc xe tải chiếm hết cả lòng đường, tôi chủ động dừng xe từ xa để tấp vào bên đường. Tuy nhiên, do đường trơn, chiếc xe máy và người bị ngã. Theo phản xạ, tôi lấy tay chống xuống đường thì bị bánh xe tải chèn qua".

“Sau khi bị xe cán qua cánh tay, tôi vẫn tỉnh và nhìn thấy cánh tay bị dập nát, không còn cảm giác. Lúc đó rất đau, và sự sợ hãi chiếm hết tâm trí của tôi. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Điều đầu tiên tôi làm là nhìn xuống cánh tay, và đã thấy không còn. Theo phản xạ, tôi chỉ biết hốt hoảng hỏi chồng và đồng nghiệp nhưng họ chỉ khóc và không nói gì. Giờ thì nó mất thật rồi! Làm sao tôi có thể lái xe 130km mà đi dạy được nữa?”, một câu hỏi của cô Tiền, khiến ai nghe thấy cũng nhói lòng.

Ngôi trường nơi cô Tiền phải đi 130km mới tới để dạy học

Từ khi vợ nằm viện, anh Nguyễn Văn Công (SN 1983, chồng cô Tiền) đã phải để 2 đứa con nhỏ và người mẹ 80 tuổi ở nhà để lên chăm sóc. Anh Công chia sẻ, 2 vợ chồng cưới năm 2005. Sau khi sinh được bé gái đầu lòng, Tiền tiếp tục đi học. Đến năm 2014, Tiền được nhận vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông – một ngôi trường vùng sâu, vùng xa. Lúc đó, gia đình rất vui, nhưng cũng rất lo vì quãng đường đi dạy hơn 130km, trong đó nhiều đoạn là đường đèo.

Cô Tiền thường dậy trước 3 giờ sáng để đi dạy. Nhiều người khuyên Tiền, tranh thủ chiều chủ nhật đi đến trường để khỏi đi trong đêm nguy hiểm, nhưng cô chỉ cười và nói: “Đi dạy cả tuần nên ở nhà với con được giờ nào hay giờ đó. Với lại chồng đi làm, chỉ có mẹ già 80 tuổi và 2 con nhỏ nên đi sớm không đành”, anh Công nghẹn ngào khi kể về vợ mình.

“Tội nhất là 2 đứa con, mẹ đi dạy nên phải xa hơi ấm từ lúc nhỏ. Do tôi đi làm thuê, vợ lại đi dạy xa nên chúng rất nhớ mẹ. Chiều thứ 6 biết mẹ sẽ về, chúng đứng ở cửa ngóng ra ngoài đường, thấy tiếng xe máy của mẹ là chạy ùa ra đón. Còn sáng thứ 2, chúng ngủ dậy không thấy mẹ đâu là khóc nức nở đòi. Nghe tin mẹ bị tai nạn, chúng khóc suốt ngày, đòi lên với mẹ nhưng tôi đi rồi, nhà ở xa không ai đưa chúng lên đây”, anh Công vừa nói, vừa kéo tấm chăn đắp cho vợ.

Cung đường đi dạy thấm đẫm mồ hôi và máu

Rời bệnh viện, chúng tôi đã thử làm 1 hành trình từ nhà cô Tiền đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông. Xuất phát tại nhà cô Tiền từ lúc 9 giờ sáng, trong thời tiết nắng ráo. Khoảng 80km đầu tiên đường khá dễ đi. Nói là dễ nếu đó là ban ngày, trời nắng và đối với các tài xế Tây Nguyên. Đường sẽ khó hơn, nếu trời mưa và buổi tối, vì đường khá hẹp, nhiều đoạn có ổ gà, ổ voi.

Con đường cô Tiền đi dạy xuyên qua nhiều khu rừng rậm

Khi cách trường gần 40km, thì đây thực sự là con đường chỉ dành cho tài xế gan dạ. Đường ngoằn nghèo, với vô số các khúc cua tay áo, tầm nhìn luôn bị hạn chế bởi rừng rậm, thỉnh thoảng có những cây rừng bị đổ chắn ngang. Gần 40km đường vắt vẻo qua các quả núi nên không thiếu các con dốc thẳng đứng. Gần 40km không có một bóng dáng ngôi nhà nào. Đi cả quãng đường, nhưng chúng tôi chỉ gặp vài chiếc xe máy đi ngược chiều.

Khi đặt chân được đến ngôi trường thì lúc này đã 14 giờ kém. Biết chúng tôi mới ở bệnh viện, các giáo viên xúm lại hỏi thăm tình hình sức khỏe cô Tiền.

Thầy Đỗ Thiện Úy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông buồn bã nhớ lại: Hôm cô Tiền bị tai nạn, tôi nghe được điện thoại báo tin mà run cả người. Nhưng rồi cũng phải trấn tĩnh lại để tìm cách đưa cô ấy đến viện. Vị trí tai nạn cách Trung tâm y tế H.Đắk Đoa khoảng 40km. Tôi gọi cho bảo vệ nhà trường, lấy chiếc xe tải nhỏ chở hàng của gia đình để đưa cô Tiền đi viện, nhưng xe bị xẹp lốp. Lúc này, biết chủ tịch xã có ô tô, đang đi công tác tại trung tâm huyện nên các thầy lấy xe máy đuổi theo. Cô Tiền bị thương rất nặng ở cánh tay, tôi đã gọi báo với các cơ quan chức năng, mong tìm được bệnh viện tốt nhất để cứu lấy cánh tay cô ấy nhưng đã không được”.

Thầy Úy chùng giọng tâm sự, từ khi cô Tiền nằm viện, các giáo viên được phân công thay nhau ra túc trực ở bệnh viện. Mỗi ca chỉ có 2 cô giáo, vì những giáo viên khác đều phải lo dạy học. Giáo viên nào cũng mong sớm đến lượt mình để được ra với cô Tiền. Nhưng ngặt một nỗi, muốn ra viện thăm không thể về trong ngày vì đường xa, thì lấy ai đứng lớp. Chiều thứ 6 này, tất cả giáo viên sẽ về nhà và ra thăm, động viên cô Tiền luôn.

Những học sinh của cô Tiền đều là người đồng bào dân tộc Ba Na

Thầy Tống Văn Thu - Phó Hiệu trưởng tiếp lời, trường đóng trên địa bàn rẻo cao, xung quanh là núi non điệp trùng. Trường cách trung tâm H.Đắk Đoa hơn 50km. Nơi đây chủ yếu đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Trường có trên 30 giáo viên, ai cũng ở xa nhà, gần nhất phải trên 50km, còn xa nhất là cô Tiền.

Tất cả các giáo viên đều ở tập thể ngay tại trường. Cứ thứ 2 các giáo viên đi và chiều thứ 6 về nhà. Dù biết đường rừng nguy hiểm, nhưng rất ít giáo viên đi vào ngày chủ nhật, vì ở đây bốn bề núi rừng nên rất buồn.

Các giáo viên trong trường kể rất nhiều câu chuyện xúc động về cô Tiền. Cô Tiền là người chuyên môn giỏi, sống tình cảm. Sau giờ dạy, cô Tiền thường lấy điện thoại gọi nói chuyện với con, chuyện trò được mấy câu là nước mắt ngắn, nước mắt dài. Đến chiều thứ 6, thời tiết như thế nào, cô cũng nhất quyết về nhà. Có những thứ 6 dạy xong, phải họp chuyên môn đến chiều muộn mới xong, cô Tiền vẫn nhất quyết về. Dù được các giáo viên khuyên ngăn, nhưng cô nói: “Hai đứa con đang đứng ở cửa chờ tôi về. Tôi mà không về nó đứng chờ suốt, không chịu đi ngủ”. Nghe vậy, không một ai dám can ngăn nữa.

Thầy Úy cho biết thêm, sau khi cô Tiền gặp nạn, do hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường đã có thư kêu gọi Công đoàn giáo dục hỗ trợ.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/khong-con-tay-toi-lay-gi-di-day_79970.html