Thường sơn chữa sốt rét, ngộ độc thức ăn

Thường sơn hay còn gọi là hoàng thường sơn, thục tất, áp niệu thảo, kê niệu thảo.

Thường sơn

Là loại cây nhỡ cao 1-2m, thân rỗng, dễ gãy, vỏ ngoài mẫn màu tím. Lá mọc đối hình mác hai đầu nhọn, dài 13-20cm, rộng 35-90mm, mép có răng cưa mặt trên xanh, mặt dưới tím đỏ, không có lông hoặc hơi có lông. Hoa nhỏ màu xanh lam hay hồng, mọc thành chùm nhiều hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Quả mọng khi chín màu xanh lam, đường kính 5mm, một ngăn, hạt nhiều nhỏ hình lê, có mạng ở mặt dài không đầy 1mm.

Cây thường sơn mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh miền rừng núi nước ta như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang… Mùa thu hái vào các tháng 8-10, người ta đào rễ về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Thường sơn có tác dụng thổ đờm, triệt ngược, thanh nhiệt hành thủy.

Chữa sốt rét và sốt thường: Rễ thường sơn 10g, cam thảo 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày, đơn thuốc này dễ gây nôn.

Sốt rét cơn cách nhật: Thường sơn chế, mần tưới, chỉ thiên, trần bì, hoắc hương, mỗi vị 12g, sắc uống.

Chữa ho, ngộ độc thức ăn: Thường sơn 3-5g, cam thảo 10g. Đun sôi uống. Cũng có thể dùng lá tươi giã nhỏ với rễ cỏ lá tre, lá găng, lá đơn răng cưa, thêm nước, gạn uống; ngày 3-4 lần.

GS.TS. Đỗ Tất Lợi, Nguyên Trưởng khoa Dược liệu ĐH Dược Hà Nội

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thuong-son-chua-sot-ret-ngo-doc-thuc-an-d275448.html