Thương quê mùa lũ

Miền Trung quê tôi cứ dịp này trời mưa xối xả, mới đầu thì mưa dầm mưa dề rồi mưa thối đất thối cát kéo dài cả tuần không ngớt. Nhìn ra cánh đồng làng một màu rắng xóa, đục ngầu. Lúc đó ai cũng hiểu lũ sắp về.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thế rồi như biết trước. Năm nào cũng vậy người dân quê tôi lại oằn mình nghiêng vai đón đợi, chịu trận với những cơn mưa lớn dữ dội, những đợt bão chồng bão và nhiều trận lũ to nhỏ khác nhau. Người dân miền Trung đã sống với cái khắc nghiệt của thời tiết, dữ dằn, nóng nảy của thiên nhiên, âu cũng quá quen, song mỗi mùa mưa tháng Chín âm lịch sao vẫn thấy thương, lòng lại thấy xót xa đến vậy.

Nói đến miền Trung người ta hay hay nhắc đến hình ảnh đất nước ta như một người gánh thóc, mà hai đầu là hai thúng thóc đầy. Còn ở giữa là chiếc đòn gánh. Miền Trung là chiếc đòn gánh oằn vai tảo tần một nắng hai sương của đất nước, mà người ta hay nói “khúc ruột miền Trung”. Mùa hè nắng như nung như nấu, mùa lụt thì như thủy quải hung dữ kéo về. Xa nhà, nghe đài báo mưa lũ tràn về mà lòng đau đáu khôn nguôi. Chạnh lòng, lo lắng thương mẹ cha đang hớt hải chạy mưa chạy lụt.

Từ nhỏ cho tới trưởng thành chị em chúng tôi đã chứng kiến không biết bao cơn bão, đã thấm thía những mệt mỏi gian nan của người sống trong cái nôi của mưa bão triền miên. Và cũng đã trải qua nhiều rất nhiều lần phải cùng cha mẹ và các anh chị tay xách nách mang những tư trang cần thiết nhất để chạy bão và tránh lũ nữa. Nó nhiều đến mức không thể đếm xuể. Và trong những lần chạy lũ đó, mẹ luôn dặn chị em tôi phải bọc sách vở,dụng cụ học tập vào túi nilon kỹ nhất, buộc chặt nhất vì áo quần ướt nắng lên phơi sẽ khô, còn sách vở mà ướt là không dùng được nữa. Mẹ lúc nào cũng vậy, cho dù nghèo khổ,vất vả đến mấy mẹ cũng luôn coi việc học của chị em tôi lên hàng đầu. Mẹ vẫn hay đọc câu ca dao “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Để nhắc nhở chị em chúng tôi. Đến tận bây giờ nghĩ lại lời mẹ dặn mà sống mũi cay. Đúng là khi lớn lên bôn ba nơi đất khách quê người nhưng mỗi mùa mưa bão đến, lòng tôi cứ cuồn cuộn cứ bị ám ảnh mãi và thương quê mẹ nghèo nơi rốn lũ miền Trung.

Mẹ thở dài “nước đâu mà lắm thế”. Nhìn đâu cũng toàn là nước lũ. Tràn qua bờ đê cao, tràn lên xóm lên làng băng qua cánh đồng lúa chưa kịp gặt về sân phơi. Nước cứ thế xô lúa mà đi, lúa ngập mình trong nước. Mẹ bảo “năm nay lại mất mùa”. Mẹ buồn lặng đi. Và những ngày sau đó, cảnh thiếu ăn hay ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn là chuyện bình thường. Đến nay, thi thoảng nhớ đến món ăn những ngày thơ ấu đó, tôi lại nhớ quê da diết, muốn về để được ăn. Khổ cực là vậy nhưng bữa cơm ngày lũ vẫn in đậm trong tâm trí tôi về tình làng nghĩa xóm. Bà con chia cho nhau từng bơ gạo nhỏ, ít muối vừng, vài quả cà muối mặn. Bữa cơm ngày ấy trong gian nan vất vả tuy hao hụt đi chút ít nhưng tình người trong lũ lụt là thứ quý giá không thể đong đo.

Rồi lũ cũng ngừng. Ánh mắt cha thất thần khi mọi thứ đã cuốn trôi. Đàn gà, đàn lợn cũng bị theo dòng lũ. Làng xóm thì tiêu điều, xơ xác. Cha phải sửa lại nhà vì mái đã bị trôi đi. Nhìn cảnh vật ngổn ngang giữa đám sình bùn không thể không rơi nước mắt. Cha bảo rằng “sau mỗi cơn bão đi qua sẽ dạy ta được nhiều điều. Mạnh mẽ hơn, vững chãi hơn đừng nản lòng con nhé”. Lời cha dặn con mãi khắc sâu.

Tôi lớn theo những mùa nước, và dần xa khúc ruột miền Trung nghèo khó đến với những miền đất mới khám phá, học tập và làm việc. Nhưng mỗi khi nghe tin tức trên truyền hình, cũng như báo chí mùa bão lũ về, lòng lại ngóng trông quê nhà bằng niềm thổn thức, nhiều lắng lo. Thương hơn cả chữ thương. Lòng cầu mong trời thương trời bớt giăng mưa, mùa bão lũ nhanh chóng qua, nước nhanh rút để đừng tô màu tóc bạc thêm trên mái đầu mẹ cha.

THÙY HƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202209/thuong-que-mua-lu-961032/