'Thương nhớ thời bao cấp' - nhớ xưa để hiểu nay

Mừng Tết Mậu Tuất - 2018, Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã ra mắt cuốn sách 'Thương nhớ thời bao cấp' của 2 họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, như một món quà ôn cố tri tân. Ấn phẩm này giúp bạn đọc trở về một miền ký ức của cuộc sống gian nan, nhưng ấm áp tình người.

Với những người Việt đã đi qua giai đoạn cuối thế kỷ 20, thời bao cấp là một khoảng thời gian đầy nhọc nhằn trong mưu sinh. Một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn và người dân phải vất vả lo toan về những thứ nhu yếu phẩm cơ bản thường nhật: Chiếc khăn mặt, cái quần đùi hoa, tem phiếu mua thực phẩm, sổ gạo, túi cá khô, cục gạch xếp hàng...

Bìa cuốn “Thương nhớ thời bao cấp”

Bìa cuốn “Thương nhớ thời bao cấp”

Tập hợp những câu cửa miệng, cùng tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp, “Thương nhớ thời bao cấp”, với những minh họa sinh động, hóm hỉnh của Thành Phong và Hữu Khoa, đã cho bạn đọc hình dung được tinh thần thời bao cấp: Vượt lên những khó khăn trong cuộc sống là cái nhìn điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn lạc quan đến lạ kỳ của những người dân Việt.

Cảm nhận về “Thương nhớ thời bao cấp”, PGS-TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng: “Ta thấy hiện lên một bức tranh gần gũi, thật khó quên. Khó quên vì cuốn sách gợi lại một thời để nhớ. Nó đem lại cho ta một cảm xúc đời thường, rất thực. Những câu nói, những “thông điệp” ngôn từ kèm tranh minh họa làm cho ta cười đấy, nhưng cười mà có khi ra nước mắt, vì cảm động và thấm thía khi chiêm nghiệm một hiện thực cuộc sống của đất nước còn chưa xa, vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay”.

Còn nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận xét: “Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác".

Trang trong của ấn phẩm

“Ban đầu, khi mở ra đọc những trang sách này, tôi vừa đọc vừa buồn cười, thấy hay hay, vui vui, và rất thú vị với bao câu chuyện bi hài ghi lại về thời bao cấp mà những người ở thế hệ tôi không bao giờ quên được. Điều tôi rút ra cho mình sau khi đọc cuốn sách này và hồi tưởng những ngày xưa cũ chính là: Đừng chỉ ngồi than khóc hoặc chế giễu những gì bất cập, bất công trong cuộc sống. Hãy chung tay tạo dựng những cái mới tốt đẹp, công bằng và có ích cho tất cả mọi người” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ.

GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã nhận xét về ấn phẩm này: "Tôi tin rằng, cả những người đã trải qua thời bao cấp lẫn các bạn sinh sau Đổi mới, đọc những sáng tác này không chỉ để giải trí, để cười, mà còn để ôn cố tri tân, ôn cũ hiểu mới.

Bởi vì, thời bao cấp tuy đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hiện tượng mà các sáng tác dân gian trong tập sách này ghi lại vẫn còn thò bộ rễ thâm căn cố đế của nó sang làm phiền chúng ta trong cuộc sống hiện tại...” và ông mong rằng “những sáng tác dân gian về thời bao cấp sẽ góp phần tích cực vào việc ném những củi khô, củi tươi lỗi thời vào cái lò lịch sử đang bắt đầu đượm lửa hôm nay".

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thuong-nho-thoi-bao-cap-nho-xua-de-hieu-nay-68472.html