Thương nhớ đào rừng: Cội đào rỉ máu, mùa xuân Tây Bắc bị đánh cắp

Mỗi khi mùa xuân về, khắp vùng Tây Bắc tràn ngập sắc thắm đào phai. Đấy là cảnh sắc của mấy mươi năm về trước, còn giờ khắp bản trên, bản dưới ở đất Tây Bắc bóng đào cổ thụ đang dần biến mất. Nhu cầu chơi đào rừng vào dịp Tết của người dân ở miền xuôi đã góp phần vào việc xóa sổ rừng đào nơi đây.

TS: Vài ngày trước, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu, từ Tết Nguyên đán năm nay, hoạt động khai thác, chặt phá đào rừng tự nhiên để buôn bán hoặc các mục đích khác đều sẽ bị cấm triệt để. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thực trạng chặt phá đào rừng những năm qua gây hại ra sao, Dân Việt đăng tải loạt bài "Thương nhớ đào rừng".

Hoa đào, hoa mơ và hoa mận đã gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của bà con người dân tộc Mông, người Dao, người Thái ở đất Tây Bắc. Sống ở xứ miệt rừng, nên mỗi loài hoa tương ứng với một mùa trong năm. Bà con nơi đây cứ theo mùa hoa nở mà tra nương, trồng cấy cho phù hợp với quy luật vận hành của đất trời. Trong vô số loài hoa rừng thì những vạt rừng đào phai, đào mốc là gắn bó chặt chẽ với bà con người Mông nhiều nhất.

Đào được thu mua lên những chiếc xe tải để chở về dưới xuôi bán phục vụ nhu cầu chơi Tết.

Mùa hoa đào nở là mùa hạnh phúc

Mùa đông, khắp đất trời Tây Bắc mây núi mịt mùng sương khói. Cái rét như cắt da, cắt thịt càng khiến vườn đào quanh nhà thêm phần xù xì và sần sùi hơn. Chúng phơi sương, phơi nắng như tích lũy "sức lực" cho mùa bung hoa sắp tới. Sức sống của các cội đào tựa như tinh thần dẻo dai mà bà con người Mông đã bám trụ ở đất Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) từ nhiều đời nay.

Với bà con người Mông nơi đây, cây đào tựa như một người bạn tâm tình, thủy chung. Ông Tráng A Cao, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ ngồi bên thềm nhà gỗ nhìn trời, nhìn đất mà lòng vui như mở hội. Trong cái rét căm căm này cũng là lúc bà con chuẩn bị đón Tết Mông (bà con người Mông ăn Tết bắt đầu từ tháng 12 âm lịch).

"Cây đào rụng lá, cành khẳng khiu trong gió Đông, nhưng nó lại có sức sống mãnh liệt. Ở đây, nhà nào cũng trồng đào, nhiều nhà có cả vài trăm gốc", ông Cao xoa xoa đôi bàn tay cho bớt lạnh kể về những cội đào cổ thụ to bằng cột nhà ở đất này.

Những cành đào mốc được chặt từ các bản vùng cao bày bán ven quốc lộ 6 đoạn chạy qua xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La).

Đêm đông, gió rét rít từng cơn ngoài hiên căn nhà gỗ khiến cái lạnh càng thấm sâu. Bên bếp lửa bập bùng, ông Cao - chàng trai người Mông một thủa đã từng chứng kiến bao sự đổi thay ở đất này - không giấu được những hoài niệm về một miền đất đẹp tựa tiên cảnh.

Mấy mươi năm về trước, nơi đây bạt ngàn rừng già. Bà con người Mông sống ở rừng, chỉ làm nương ở thung lũng, chứ không leo tới tận đỉnh núi như ngày nay. Bà con người Mông sống nương tựa vào rừng, cộng sinh với rừng. Trong vô số các loài cây cổ thụ thì cây đào rừng được bà con "ưng cái bụng" nhất vì nó vừa ra hoa vào mùa xuân lại cho quả vào mùa hè. Bà con chẳng phải chăm sóc gì mà cây vẫn sinh trưởng tốt.

Nhu cầu chơi đào rừng vào dịp Tết của người dân ở miền xuôi đã góp phần vào việc xóa sổ rừng đào ở vùng núi.

Những thân đào cổ thụ, bà con hay gọi là đào mốc sống ở các triền núi. Quanh năm phơi mình trong gió sương, nên thân cây sù sì, mốc thếch, địa y mọc trùm khắp thân, cành. Người Mông gọi loài hoa này là cụ đào hoặc cội đào cổ thụ. Có "cụ" đào tuổi thọ vài trăm năm. Chúng tồn tại ở rừng như một chứng tích về một vùng đất trù phú và tươi tốt.

Khi xưa, chẳng bao giờ bà con người Mông chặt đào cả. Vì thế mà chúng cứ sinh sôi nảy nở thành rừng đào. Mùa xuân về, bên bờ rào đá, bên nương lúa, nương ngô, rừng đào cổ thụ đâm chồi nảy lộc, hoa nở nhuộm tím cả vạt rừng.

"Bà con người Mông sống cũng hồn nhiên, khỏe khoắn như cây rừng vậy. Mùa nối mùa trôi qua thật nhàn nhã và yên bình", ông Cao hồi tưởng về năm tháng vui êm đềm cùng núi rừng.

Đào rừng được người dân bán ở ven quốc lộ 6, thuộc tỉnh Sơn La.

Khi chưa tách huyện, cả cao nguyên Mộc Châu kéo từ chân đèo Đá Trắng (Hòa Bình) đến địa phận huyện Yên Châu (Sơn La) được coi là xứ sở của hoa đào. Đâu đâu cũng có những vạt đào rừng đẹp mê hồn. Những thung lũng hoa đào nối nhau dài ngút tầm mắt. Du khách mỗi lần qua đây đều dừng lại mà thưởng lãm cảnh đẹp núi rừng ban tặng. Đặc biệt là những ngày đầu xuân, trai gái người Mông dẫn nhau du xuân bên cội đào cổ thụ đẹp tựa như trong truyện cổ tích.

Cụ Tráng A Páo ở xã Vân Hồ năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng nom cụ còn khỏe lắm. Cụ và bà con người Mông đã gắn bó với đất này từ nhiều đời nay. Mỗi khi nhắc về giống đào mốc chỉ sống ở những nơi núi cao có rừng già cụ lại như trở về thời trai trẻ.

Cụ bảo rằng, mùa xuân trên là trời xanh thẳm, dưới là sắc thắm của hoa đào. Mùa này cũng là lúc lúa đã đầy bồ, ngô treo đầy bếp, bà con người Mông tưng bừng đi đón xuân, chơi Tết. Trai, gái nên duyên vợ chồng nhiều nhất trong mùa này. Chẳng thế mà bà con người Mông coi mùa hoa đào nở là mùa hạnh phúc và mùa của các đôi uyên ương.

Trước việc chặt đốn đào để chơi Tết của người dân, đào rừng đang ngày càng biến mất.

Nhắc chuyện xưa để nói chuyện nay, ông Páo lại như buồn hơn. Ông Páo bảo: "Đời tôi đã sống trọn tình, vẹn nghĩa với vùng đất cao nguyên này. Tôi chứng kiến bao đổi thay, vui có, buồn có, nhưng có lẽ trong tâm trí của tôi thì những mùa xuân, đào rừng vào độ mãn khai, dâng hiến vẻ đẹp nguyên sơ cho đất trời đang dần lùi xa. Khi người dưới xuôi bắt đầu muốn "bê" cả mùa xuân của đất trời Tây Bắc về nhà mình, những cội đào cổ thụ bắt đầu rỉ máu".

Cội đào rỉ máu

Ai đến cao nguyên Mộc Châu giờ đây cũng cảm nhận được sự thay đổi chóng mặt của xứ miệt rừng. Các công trình xây dựng mọc lên nhanh chóng, rừng già khi xưa giờ chỉ còn trong trí nhớ của các cụ già nơi đây. Đặc biệt là những vườn đào cổ thụ cũng đang dần biến mất. Cùng với sự suy giảm rừng nguyên sinh, thân đào cổ thụ cũng biến mất một cách nhanh chóng, do nhu cầu chơi đào Tết của người dân.

Nếu như trước đây, mỗi khi Tết đến xuân về, bà con chỉ chơi đào thế, đào trồng. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở khắp các nơi lại rộ lên phong trào chơi đào rừng. Trước Tết khoảng một tháng, xe tải 3 dàn đến 5 bàn lốp ở khắp các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc nối đuôi nhau lên Mộc Châu chở đào rừng về xuôi phục vụ nhu cầu chơi đào dịp Tết.

Bắt đầu từ năm 2021 và nhất là dịp Xuân Tân Sửu sắp tới đây, cụ thể là các hoạt động khai thác, đốn chặt, buôn bán, vận chuyển các loại cây cảnh được đào trên rừng đưa về các tỉnh, thành phố phải chấm dứt, những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý.

Mỗi cành đào đẹp bán Tết có giá trị cả triệu đồng, thậm chí mấy chục triệu đồng, bản trên, bản dưới đua nhau khai thác đào để bán cho thương lái. Thời gian đầu là các vạt đào quanh nương, dần dà những vạt đào rừng đã gắn bó với đất này từ nhiều đời nay cũng bị chặt phá không thương tiếc. Nhà nhà đi chặt đào để bán.

Theo người dân nơi đây, cứ mỗi chuyến đào chở ra quốc lộ 6 là bà con kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần, các chàng trai đua nhau luồn rừng tìm đào rừng để đốn hạ. Sau mỗi năm, nhu cầu chơi đào rừng lại một nhiều hơn, theo đó những thân đào cổ thụ, đặc biệt là giống đào mốc bị săn lùng ráo riết. Và cũng sau mỗi năm, mùa xuân của xứ sở hoa đào cũng bớt sắc, kém hương.

Suốt hơn một thập niên khai thác và tận diệt đào rừng đã khiến xứ sở của hoa đào bị tàn phá nghiêm trọng. Đào cổ thụ bị săn tìm và triệt hạ không thương tiếc. Những vườn đào đẹp như miền cổ tích cũng dần bị thu hẹp. Tại các đỉnh núi cao tiếp giáp biên giới Việt - Lào cũng không còn bóng đào cổ thụ.

Nói như cụ Páo, mùa xuân của đất trời đã bị bê đi nơi khác. Để có được một gốc đào cổ thụ phải mất cả trăm năm, nhưng để triệt hạ một cây đào thì chỉ mất có vài phút. Tất nhiên là đào cắt ngang thân, sang năm nó lại đâm chồi nảy lộc, nhưng để có cành đào xù xì, mốc thếch thì không thể có trong một sớm, một chiều.

Theo Xuân Tuấn/ Dân Việt

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/thuong-nho-dao-rung-coi-dao-ri-mau-mua-xuan-tay-bac-bi-danh-cap-16489/