Thương nhớ bếp dầu

Bếp dầu bây giờ tuyệt tích, chẳng thấy ở nhà nào nữa. Muốn nhìn lại nó mà không được…

Minh họa: Vi Anh

Minh họa: Vi Anh

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tôi nhớ nhà tôi vẫn còn dùng bếp dầu. Bếp của nhà máy cơ khí Thăng Long, hình như thế, tráng men màu xanh lốm đốm trắng. Không nhớ đấy là đời bếp dầu thứ mấy trong nhà, nhưng trong lịch sử, tôi nghĩ khoảng 20 đến 30 năm người Hà Nội dùng bếp dầu. Loại bếp có tráng men xanh ấy là bếp xịn nhất, kiểu như bây giờ người ta dùng bếp từ của Đức hoặc Tây Ban Nha. Những cái bếp dầu cổ lỗ mà tôi nhớ, bằng sắt và luôn hoen rỉ bởi mắm muối, két lại trên bếp một thứ màu đen kịt nhờn tay cực kỳ khó tẩy rửa. Chất tẩy rửa ngày xưa cũng chẳng có gì khác ngoài tro bếp và xà phòng bột. Mà bếp dầu thì cũng chẳng được tẩy rửa mấy, nhỡ dính nước vào mấy sợi bấc là thôi, chẳng nấu nướng gì nữa cho đến lúc bấc tự khô nước.

*

Ngồi tính đếm lại những năm tháng thanh xuân cuộc đời, thấy công cuộc nấu nướng bằng bếp dầu cũng ngốn đi của mình một khoảng thời gian không phải không đáng kể. Bởi tuy rằng nấu thì chẳng có gì mấy mà nấu, nhưng cái công lau bếp sau nấu, công khêu bếp trước nấu, công cọ nồi và nhất là công xếp hàng mua dầu hỏa bán theo phiếu, ngần ấy thứ nó lằng nhằng cách rách lắm. Bếp có 12 bấc là bếp lớn nhất, sau mỗi lần nấu bấc lụi đi, vài ngày phải khêu bấc một lần. Khêu vừa vừa, khêu thấp quá bấc khó bén lửa, khêu cao quá lửa cháy đùng đùng đen hết nồi, muội bếp nhiều lỡ quệt lên mặt rửa cả tiếng đồng hồ, mặt rát đỏ lên chưa chắc đã sạch.

Rồi dầu bán phân phối, xếp hàng tận đầu phố rồng rắn đến lượt, chẳng nhớ mỗi hộ gia đình được mấy lít mỗi tháng nữa, nhưng cảnh đang nấu mà hết sạch dầu trong bếp là cảnh xảy ra thường xuyên lắm. Nồi cơm không đủ chín, nồi canh chưa kịp sôi, có những lúc cả nhà đói bụng nhìn nhau, rồi nhìn sang cái bếp dầu mà thở dài chịu đựng. Có một cái nút vặn để điều chỉnh lửa, nhưng tôi nhớ dạo bếp dầu gia công xoàng xĩnh cái vặn ấy luôn luôn hỏng. Cơm khê, đậu rán cháy hoặc bỏng tay là chuyện hàng ngày, với những đứa nhỏ nấu nướng mà mắt không rời cuốn sách.

Thế nhưng những bữa ăn ngon nhất trên đời tôi đã ăn ngẫm lại, cũng chính là những bữa được nấu trên bếp dầu thời xa xưa, bởi đôi bàn tay của mẹ. Thực phẩm ít ỏi mua theo tiêu chuẩn. Lâu lâu mới có bữa cá bữa thịt, mà sao mẹ nấu gì cũng ngon đến thế. Một xâu cua đồng mấy hào, gỡ ra rửa sạch, giã trong cái cối sành rồi lọc, đặt lên bếp dầu, vặn cho lửa vừa kẻo canh sôi trào ra bếp, vỡ gạch…Chút thịt ba chỉ rang cháy cạnh, trút ra đĩa đủ để nhà bốn người mỗi người gắp hai, ba miếng. Rồi những bữa được gọi là thịnh soạn, nấu phở, nấu giả cầy, nấu sốt vang thơm lừng trên cái dếp dầu đen nhẻm…

*

Nấu bếp dầu cần nhiều kinh nghiệm luôn luôn phải nhìn ngọn lửa Những lúc ngọn lửa xanh là bếp đủ dầu, bấc sạch, ngọn lửa đỏ là có dấu hiệu phải thay bấc, cắt tàn bấc. Tôi có những người bạn, sau bếp dầu nhất thiết chỉ dùng bếp gas, không dùng các loại bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại hiện đại, chỉ vì những bếp ấy không có lửa, tức là không nhìn thấy ngọn lửa. Một ngày nào đó trong bếp, nhận ra không nhìn thấy lửa, không có cuộc đối thoại với lửa mỗi lúc nấu ăn, tự dưng thấy hiện đại cũng không phải cách thức hay nhất khi người ta đứng một mình trong bếp. Lửa bếp dầu đủ nóng để làm nhiều món ngon. Kể cả những món cần nhiều nhiệt. Mẹ tôi từng đã luộc bánh chưng trên bếp dầu, hai bếp, bếp này cạn dầu thì chuyển nồi sang bếp kia để ngọn lửa được liên tục.

Bếp dầu vào mỗi dịp Tết là sử dụng liên tục. Trước Tết mẹ dạy tôi làm mứt, sên mứt trên một cái chảo lớn, với ngọn lửa vặn đến mức nhỏ nhất của bếp dầu. Gì cũng đem làm mứt được: Táo, quất, cà chua, dừa, gừng, cà rốt, thậm chí khoai tây. Gọt nhỏ, thái mỏng, ngâm vôi, chần phèn, ướp đường rồi sên mứt… Nhà nào có con gái cũng thuộc ngần ấy công đoạn, hết mứt này chuyển sang làm mứt khác. Mẹ cho vào lọ thủy tinh, khách đến mang ra mời. Bếp dầu để hầm măng khô. Tết chẳng thể thiếu nồi măng khô, hầm măng, rồi hầm chân giò. Rồi nấu thịt đông…Những ngày cuối chạp, Tết đến cửa nhà, bếp dầu bận liên tục cho đến khi nấu nướng xong bằng hết, nhà cửa dọn sạch sẽ thì mẹ đặt lên bếp một nồi to đun lá mùi già. Hương mùi già chính thức báo rằng Tết thật sự đã vào nhà …

Thời còn dùng bếp dầu, chẳng mấy nhà Hà Nội có bàn nấu bếp. Bếp dầu đặt góc sân, nếu có sân, góc hành lang hay góc nhà. Tôi đôi khi nhớ cái sự bừa bộn quanh bếp mà dưng dưng. Một góc tỏa tất cả mọi mùi vị của cuộc sống thường nhật, có mùi chua chua của vại dưa cải muối, mùi mắm mặn, mùi ngọt ngào của đường và mùi hăng của dầu. Cái mùi hăng ấy nó cũng gây nhớ như những thứ mùi khác trong bếp, thậm chí còn quá quắt hơn thế.

*

Tất nhiên chẳng ai muốn quay lại thời kỳ dùng bếp dầu, dù có thích hoài cổ đến mấy. Tất cả sự cách rách, nguy cơ hỏa hoạn và hình thức không đẹp của nó thật sự không nên nuối tiếc. Nhưng những ai đã sống qua những năm tháng bếp dầu như một tài sản trong gia đình, một đồ vật không thể thiều, một phần của đời sống khó khăn thời bao cấp, thì vẫn sẽ nghĩ về bếp dầu với một niềm trìu mến và thương nhớ.

Cũng như rất nhiều thứ khác trên đời, nhớ thương rất nhiều mà có muốn trở lại đâu!

Bữa ăn ngon nhất trên đời tôi đã ăn, ngẫm lại, cũng chính là những bữa được nấu trên bếp dầu thời xa xưa, bởi đôi bàn tay của mẹ.

Hà Phạm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/thuong-nho-bep-dau-20200114095841826.htm