Thượng nguồn chưa mưa, thủy điện ngừng xả, Đà Nẵng khó khôi phục cấp nước

Tối 24/8, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, trong khi thượng nguồn chưa có mưa, khả năng điều tiết của các hồ chứa không còn nữa thì tình hình nhiễm mặn lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn khiến cho việc cấp nước ngày càng khó khăn.

Theo ông Hồ Minh Nam, ngày 21/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Thông báo 5611/UBND-STNMT đề nghị phối hợp vận hành xả nước từ các hồ chứa thủy điện; thời gian xả nước trong vòng 24 giờ, kể từ 15h ngày 21/8/2019, để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng.

Độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ lúc 16h27 chiều 24/8 tăng lên lại 1.022mg/l so với mức cho phép tối đa là 1.000mg/l.

Độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ lúc 16h27 chiều 24/8 tăng lên lại 1.022mg/l so với mức cho phép tối đa là 1.000mg/l.

Tuy nhiên, sau 24 giờ, độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ vẫn duy trì ở mức cao, trên 1.400 mg/l khiến việc thiếu nước trên địa bàn TP Đà Nẵng càng trở nên trầm trọng hơn. Lúc 9h45 ngày 23/8, độ mặn mới giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 mg/l, nhưng đến 15h chiều 24/8 thì độ mặn lại vượt ngưỡng 1.100 mg/l.

Theo Phó Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam, sau khi thủy điện ngừng xả ngày 22/8, mực nước tại Ái Nghĩa lúc 7h sáng 24/8 xuống thấp, chỉ còn 1.82m. Tại đập Quảng Huế hầu như không có nước từ lưu vực sông Vu Gia về lưu vực sông Thu Bồn.

Mực nước tại An Trạch xuống thấp, còn 1,69m nên cần phải đóng kín các cửa xả An Trạch để duy trì mực nước thượng lưu đập An Trạch nhằm đảm bảo mực nước cho các máy bơm hoạt động.

“Trong khi thượng nguồn vẫn chưa có mưa, khả năng điều tiết của các hồ chứa không còn nữa thì tình hình nhiễm mặn lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn khiến cho việc cấp nước trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày càng khó khăn!” – Ông Hồ Minh Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hồ Minh Nam, đối với việc thiếu nước tại các khu dân cư khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là các khu vực cuối nguồn chưa phục hồi nước trở lại, do tiếp tục thiếu hụt nguồn nước thô vì bị tái nhiễm mặn như nêu trên khiến việc phục hồi cấp nước rất khó. Vì vậy, cần phải điều tiết cấp nước để chia sẻ nước từ khu vực trung tâm.

Biểu đồdiễn biến chi tiết độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ mấy ngày qua.

Theo báo cáo sơ bộ của Dawaco, tính đến hết ngày 23/8, Dawaco phối hợp với các đơn vị vận tải đã vận chuyển hơn 450 chuyến xe các loại cung cấp nước cho các khu dân cư, đặc biệt là ưu tiên cho bệnh viện, trạm y tế và trường học và cấp trực tiếp cho các khu vực mất nước kéo dài.

Với nhiều nỗ lực, áp lực mạng lưới khu vực Hải Châu, Thanh Khê cơ bản đã phục hồi cấp nước. Khu vực Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà phục hồi cấp nước chậm hơn do tập trung các khu chung cư, hệ thống khách sạn cao tầng có dung tích bể chứa rất lớn.

Công suất cấp nước qua khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngày 23/8 cơ bản đã đạt mức trung bình của các ngày bình thường là 90.000 m3/ngày. Tuy nhiên, cần phải có công suất cấp nước không nhỏ để bù đắp vào lượng nước thiếu hụt tại các bể ngầm của các chung cư, khách sạn và hộ gia đình.

“Để có kế hoạch triển khai cấp nước an toàn theo kịch bản đã được UBND TP Đà Nẵng thống nhất tại văn bản số 3566/UBND-SXD ngày 31/5/2019, Dawaco sẽ tiếp tục có báo cáo tình hình, đề nghị Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT sớm tham mưu cho UBND TP ban hành tình huống khẩn cấp: Xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ” theo kịch bản số 1A4 nhằm đảm bảo nguồn nước thô để cấp cho TP trong thời gian tới” – Ông Hồ Minh Nam cho biết thêm.

HẢI CHÂU

Từ khóa: Đà Nẵng Dawaco thủy điện nhiễm mặn cấp nước Cầu Đỏ Sơn Trà

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thuong-nguon-chua-mua-thuy-dien-ngung-xa-da-nang-kho-khoi-phuc-cap-nuoc-post310796.info