Thượng nghị sĩ Mỹ và 30 năm nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh

Trung tuần tháng 4.2019, phái đoàn 9 Thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ do ông Patrick Leahy - Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ - dẫn đầu, đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông Patrick Leahy đã cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa - nơi từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tại Lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, ngày 20.4.2019. Ảnh: USAID

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tại Lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, ngày 20.4.2019. Ảnh: USAID

Người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam

Thượng nghị sĩ (TNS) Patrick Leahy, năm nay 79 tuổi, là một người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và đã giúp đỡ rất nhiều trong việc phân bổ ngân sách dành cho Việt Nam không chỉ trong giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.

Thời gian đầu, để giúp đỡ Việt Nam không phải là điều dễ dàng, bởi không phải người Mỹ nào cũng hiểu được những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại ở Việt Nam và tầm quan trọng của việc hòa giải với Việt Nam. Đến đầu thập niên 1980, khi lòng tin giữa hai nước đã được cải thiện, các dự án giúp đỡ Việt Nam bắt đầu được thực hiện.

Đối với vấn đề này, TNS Leahy luôn quan tâm và đảm bảo rằng trong ngân sách có các khoản chi để duy trì các chương trình giúp khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Cứ như vậy, ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ công việc mà Thượng nghĩ sĩ Leahy thực hiện trong 30 năm qua nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh.

“Khi tôi trở thành TNS bang Vermont vào năm 1975, một trong những lá phiếu đầu tiên tôi bỏ là ủng hộ Luật Ngừng tài trợ cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Luật đó được thông qua chỉ với chênh lệch 1 phiếu” - TNS Leahy nhớ lại. Ông Leahy bắt đầu tham gia vào thời kỳ hậu chiến ở Việt Nam từ năm 1989, khi Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha) nói với ông về sự cần thiết phải hòa giải với Việt Nam - điều mà nhiều người Mỹ, kể cả các cựu chiến binh đã kêu gọi. Tổng thống Bush đã đồng ý sử dụng quỹ mà sau này được đặt tên là “Quỹ các nạn nhân chiến tranh Leahy” để cung cấp chân tay giả và xe lăn cho những người Việt Nam khuyết tật vì bom mìn và bom chưa phát nổ. Quỹ Leahy vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, giúp hàng nghìn người Việt Nam hồi phục khả năng vận động và bớt mặc cảm với xã hội.

Trước TNS Leahy đã có nhiều người vận động về việc hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Công việc đó đã giúp vơi đi phần nào nỗi đau của hàng trăm gia đình Mỹ. “Chỉ có thể làm được điều đó nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn, nghèo đói sau cuộc chiến và do lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ” - ông Leahy nói.

Về phần mình, trong nhiều năm qua Mỹ cũng đã giúp xác định và tháo gỡ hàng triệu quả mìn và bom chưa nổ ở Việt Nam. Nhờ những nỗ lực đó, số thương vong trong thời bình vì bom mìn thời chiến ở Việt Nam nay ít hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Trong những năm qua, tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với các quan chức Việt Nam, kể cả trước và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Bất kể chủ đề của cuộc nói chuyện là gì, phía Việt Nam luôn đặt vấn đề chất độc da cam và ảnh hưởng của nó với người dân Việt Nam” - TNS Leahy cho hay. Cùng lúc, các cựu chiến binh Mỹ tiếp xúc với chất độc da cam vật lộn với căn bệnh ung thư và nhiều bệnh tật khác, cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ. Năm 1991, Bộ Cựu chiến binh thừa nhận vấn đề nhiễm độc dioxin ở Việt Nam, nhưng phải đến 15 năm sau Mỹ mới bắt đầu có những động thái để giải quyết.

Giải quyết các điểm nóng ô nhiễm dioxin

Ngày 20.4.2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập tương tự như được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng.

Trước đó, năm 2016, USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000m3, gấp gần 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng. Tiếp sau hoạt động đánh giá, USAID đã ký các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2018 cho giai đoạn đầu kéo dài 5 năm với kinh phí cam kết là 183 triệu USD cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.

Phát biểu tại lễ khởi động, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh, việc Mỹ và Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và sẽ hoàn thành tại sân bay Biên Hòa “là một ví dụ cho thế giới thấy, hai cựu thù có thể làm việc cùng nhau, với sự tôn trọng lẫn nhau, hướng tới hợp tác và hòa bình”. “Sau nỗ lực hoàn tất ở Đà Nẵng, tôi tự tin sẽ hoàn thành tốt ở sân bay Biên Hòa vì sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ cho những nỗ lực của chúng tôi, bằng chứng là sự có mặt của TNS Leahy và 8 đồng nghiệp của ông ở Thượng viện, thể hiện sự cam kết của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, của toàn bộ Chính phủ Mỹ với nỗ lực này. Thứ hai, là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với quan hệ đối tác Việt-Mỹ. Cam kết đó được thể hiện rất rõ qua lời nói và hành động của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trên cả hai cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam” - Đại sứ Mỹ nói.

Đại sứ Kritenbrink cũng gửi lời cảm ơn đến TNS Leahy, người đã làm việc không mệt mỏi trong suốt 30 năm để đưa hai nước Việt-Mỹ xích lại gần nhau.

Theo TNS Leahy, quy mô của dự án tại Biên Hòa lớn hơn nhiều so với Đà Nẵng và Biên Hòa sẽ là một trong những dự án xử lý môi trường lớn nhất thế giới. “Chúng ta không thể chối bỏ sự thật rằng cuộc chiến tranh là một thảm họa cho nhiều thế hệ người Việt Nam và người Mỹ. Đối với tôi, không gì có thể bào chữa cho sự phi nghĩa của cuộc chiến đó, cũng như không gì có thể giảm bớt sự hủy diệt và đau khổ lớn lao mà nó gây ra. Nhưng chúng ta có thể tự hào về cách mà hai nước chúng ta đã cùng hợp tác để vượt qua những hậu quả bi thảm này” - TNS Leahy nhấn mạnh.

Ngọc Vân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/thuong-nghi-si-my-va-30-nam-no-luc-giai-quyet-hau-qua-chien-tranh-730148.ldo