Thượng nghị sĩ Cộng hòa: Đòn thuế quan là dao hai lưỡi

Theo Thượng nghị sĩ Pat Toomey, cần trung thực rằng đòn thuế quan là con dao hai lưỡi và đang gây thiệt hại cho chính nước Mỹ.

Ngày 1/9, cả Mỹ và Trung Quốc cùng đưa ra mức tăng thuế mới đối với hàng hóa của nhau và động thái này có thể khiến người Mỹ phải trả tiền nhiều hơn cho việc mua sắm quần áo, giày dép, đồ thể thao và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Mức thuế 15% của Mỹ áp dụng cho khoảng 112 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Hơn 2/3 hàng tiêu dùng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tránh phần lớn các mặt hàng tiêu dùng trong các đợt tăng thuế trước đó.

Nhưng hiện giá nhiều mặt hàng bán lẻ có khả năng tăng, động thái của chính quyền Trump đe dọa động lực chính của nền kinh tế Mỹ: chi tiêu tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp rút lại chi tiêu đầu tư và xuất khẩu chậm lại trước sự tăng trưởng yếu của toàn cầu, người tiêu dùng Mỹ đã là một điểm sáng quan trọng cho nền kinh tế.

Mỹ cũng chịu thiệt hại bởi đòn thuế quan do chính quyền Trump đưa ra. Ảnh: Getty

Mỹ cũng chịu thiệt hại bởi đòn thuế quan do chính quyền Trump đưa ra. Ảnh: Getty

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nói với ABC News: "Chúng tôi đã có một nền kinh tế tuyệt vời. Nhưng tình hình thuế quan không ổn định và cuộc chiến thương mại đang phát triển này có thể gây nguy hiểm cho sức mạnh đó và sự tăng trưởng đó, và đó là một mối quan tâm chính đáng".

Trước mức thuế cao hơn mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra, nhiều công ty Mỹ cảnh báo rằng họ sẽ buộc phải bán cho khách hàng với mức giá cao hơn. Tuy nhiên,một số doanh nghiệp có thể quyết định chịu các chi phí cao hơn thay vì tăng giá cho khách hàng của họ.

Trong cuộc thương chiến này, Washington cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ và trợ cấp không công bằng cho các công ty của mình trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và xe điện.

Thượng nghị sĩ Toomey hy vọng Tổng thống Trump sẽ tập trung đòn thuế quan vào những hành vi nghiêm trọng của Trung Quốc trong việc chuyển giao sở hữu trí tuệ và công nghệ, chứ không phải là quần áo, giày dép Trung Quốc mà người tiêu dùng ưa chuộng.

"Nếu Trung Quốc thay đổi hành vi theo cách có ý nghĩa thì chúng ta sẽ kết thúc tốt hơn. Đó là điều tôi hy vọng. Nhưng hãy trung thực, chúng ta đang gây thiệt hại, đó là con dao hai lưỡi", ông Toomney nói.

Nhận xét về cách làm của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, Chủ tịch AFL-CIO Richard Trumka nói với Fox News rằng "thật không may, ông Trump đã làm sai cách" bởi đối với Trung Quốc cần phải có một cách tiếp cận đa phương.

Ông Trump đã nhấn mạnh rằng chính Trung Quốc phải trả thuế quan nhưng trên thực tế, nghiên cứu kinh tế đã kết luận rằng chi phí của các biện pháp trên lại rơi vào các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông Trump đã gián tiếp thừa nhận tác động của thuế quan bằng cách trì hoãn một số nhiệm vụ cho đến ngày 15/12, sau khi hàng hóa ngày lễ đã lên kệ.

Một nghiên cứu của JP Morgan cho thấy, các đòn thuế quan của ông Trump sẽ tiêu tốn của mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình 1.000 đô la một năm. Nghiên cứu đó đã được thực hiện trước khi ông Trump tăng mức thuế ngày 1/9 và 15/12 từ 10% lên 15%.

Tổng thống cũng đã tuyên bố tăng mức thuế 25% hiện tại đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 30% vào ngày 1/10.

Chi phí đó có thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ vốn đang chậm lại. Người Mỹ cũng đã trở nên bi quan hơn. Báo cáo của Đại học Michigan được phát hành hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số tâm lý tiêu dùng đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2012.

"Dữ liệu chỉ ra rằng sự xói mòn niềm tin của người tiêu dùng do chính sách thuế quan hiện đang tăng lên", Richard Curtin, người giám sát chỉ số cho biết.

Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán cho một thỏa thuận nhưng Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho hay, ông không chắc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ sớm giải quyết được những khác biệt bởi thiếu niềm tin chiến lược.

"Nếu không có sự tin tưởng đó, các quốc gia sẽ bắt đầu hành động để giảm rủi ro cho nền kinh tế của mình bằng cách phân chia chuỗi cung ứng hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trong một thế giới bị phân mảnh", ông Chan nói. "Đây là quỹ đạo nguy hiểm nhất đối với nền kinh tế thế giới".

Hiện đã có dấu hiệu cho thấy các công ty đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan tăng cao. Nhưng một số chuyên gia cho biết, sự thay đổi như vậy có thể không hiệu quả nhất đối với sản xuất hàng hóa toàn cầu bởi vì các địa điểm thay thế như Việt Nam vẫn cần nhiều năm nữa để đạt được khả năng thay thế Trung Quốc là công xưởng của thế giới.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thuong-nghi-si-cong-hoa-don-thue-quan-la-dao-hai-luoi-3386837/