Thương mại Việt Nam - EU: Hành trang để tiến vào EVFTA

Từ thế kỷ XVI, nhiều thương thuyền của châu Âu đã cập thương cảng Việt Nam, được xem là dấu mốc khởi đầu quan hệ thương mại giữa hai bên. Với luồng gió mới, ngày nay quan hệ đó đã phát triển với hình thức phong phú, quy mô lớn, tốc độ nhanh - sự tiếp nối tất yếu.

Tiếp nối đậm nét

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực quan trọng giao lưu thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch mậu dịch hai chiều Việt Nam - EU chiếm 90% tổng kim ngạch Việt Nam - châu Âu. Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, kim ngạch hai chiều tăng bình quân 10%/năm, với lần lượt các cặp số (kim ngạch tỷ USD & tỷ lệ tăng) 2016 - 2017- 9 tháng 2018 là: 45,137 & 9,1% - 50,354 & 11,9% - 41,060 & 10%. Kim ngạch 2017 bằng 3,5 lần năm 2007 (14,255 tỷ USD); 9 tháng 2018 đã suýt soát bằng năm 2015 (41,365 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU rất ấn tượng, với lần lượt các cặp số (kim ngạch tỷ USD & tỷ lệ tăng) 2016 - 2017 - 9 tháng 2018 là: 34,012 & 9,9% - 38,348 & 12,8% - 31,076 & 9,6%. XK năm 2017 bằng 4,2 lần năm 2007 (9,108 tỷ USD); XK 9 tháng 2018 vượt năm 2015 (30,937 tỷ USD).

EU là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Song về XK, EU lại đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ và cũng đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ là nước mà Việt Nam xuất siêu. Xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng dần, từ 2016, 2017 đến 9 tháng 2018 (tỷ USD) là: 22,887 - 26,342 - 21,092). Xuất siêu 9 tháng 2018 lớn hơn xuất siêu năm 2015 (20,509 tỷ USD).

EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, đồ gỗ, thủy sản, điện tử, hàng tiêu dùng công nghiệp. Giày dép đứng đầu các mặt hàng sang EU với thị phần khoảng 30% tổng kim ngạch giày dép XK của Việt Nam, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Dệt may Việt Nam vào EU chiếm 13% thị phần hàng dệt may XK của nước ta, cũng đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. EU với Nhật Bản, Trung Quốc trong nhóm thứ 2 mua đồ gỗ của Việt Nam khoảng từ 10-15% tổng kim ngạch mặt hàng này.

Việt Nam nhập khẩu (NK) từ EU chủ yếu là máy móc, thiết bị, tân dược, hóa chất, phương tiện vận tải… đều ở cấp độ hiện đại, công nghệ nguồn, cập nhật thành tựu của cách mạng công nghệ.

Trong số các thành viên EU mà Việt Nam buôn bán, có 9 nước năm 2007 Việt Nam XK được từ 1 tỷ USD trở lên, và 9 tháng đầu năm 2018 cũng chính 9 quốc gia đó đã đạt mốc nói trên. 9 đối tác đó còn là bạn hàng lớn của Việt Nam ở châu Âu, với trị giá khoảng 70% thương mại của Việt Nam với châu lục này.

Cơ hội luôn đi kèm thách thức

Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây của EU. Ngược lại, cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác FTA khác.

EU là thị trường lớn, khi có EVFTA lại được cắt bỏ thuế quan, phi thuế quan và không tạo ra những quy định cản trở đến thương mại sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Trong đó dệt may được xem là rộng cửa: Được chấp nhận quy tắc cộng dồn xuất xứ (xuất xứ gộp); không hạn chế về số lượng; giảm dần các rào cản thương mại; được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP); đầu tư vào các lĩnh vực còn yếu như phụ liệu đầu vào, dệt nhuộm. Với hàng nông nghiệp, cùng với các ưu đãi như với các mặt hàng khác, hai bên công nhận hiệu lực các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của nhau.

Với việc giảm thuế NK từ EU, Việt Nam có thể mang về nhiều thiết bị phụ tùng của nền công nghệ gốc, nguyên liệu chất lượng cao, rành mạch xuất xứ. Riêng đồ gỗ, với EVFTA có hai điều lợi. Một là do EU đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến gỗ, ta sẽ nhập về tạo “cú hích” đối với sản xuất đồ gỗ. Hai là, với các quy chế liên quan đến xuất xứ gỗ nguyên liệu trong EVFTA, Việt Nam có thể NK gỗ nguyên liệu hợp chuẩn từ quốc gia thứ ba để về chế tác, nếu XK sang EU sẽ được hưởng ưu đãi từ EVFTA, vừa giải “cơn khát” về nguyên liệu lại yên tâm về xuất xứ.

Ngân hàng thế giới dự đoán đến 2030, thương mại Việt Nam - EU sẽ tăng hơn 11 lần so với 2016. EVFTA là cái gạch nối đậm nét quá khứ - hiện tại - tương lai giữa hai đối tác đầy duyên nợ này.

Cơ hội mở ra song việc tận dụng thành công còn ở phía trước, đã vậy nhiều thách thức cũng ùa theo. EVFTA đặt ra những tiêu chuẩn cao, phức tạp như Quy tắc xuất xứ; Quyền sở hữu trí tuệ: Giải quyết tranh chấp; Tiêu chuẩn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…, với ta không dễ tìm lời giàỉ.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-eu-hanh-trang-de-tien-vao-evfta-110580.html