Thương mại Việt Nam – Ba Lan: Khai thác thế mạnh để tăng trưởng

Dù đã có cải thiện song thương mại Việt Nam - Ba Lan còn chưa tương xứng với tiềm năng. Có rất nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam được thị trường Ba Lan ưa chuộng như trái cây, nông sản, gạo, dầu ăn... nhưng hầu như chưa được xuất khẩu vào thị trường này.

Hội thảo “Cơ hội xuất nhập khẩu cho DN Việt Nam và Ba Lan”

Đây cũng là ý kiến được đại diện Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội xuất nhập khẩu cho DN Việt Nam và Ba Lan” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan tổ chức chiều 4/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Ba Lan liên tục tăng trưởng. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt kỷ lục 1 tỷ USD và năm 2018 dự báo sẽ vượt ngưỡng này.

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết - Ba Lan nhập khẩu gạo từ Châu Âu rất nhiều song chưa có mặt hàng gạo của Việt Nam được xuất khẩu vào Ba Lan. Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng như trái cây, nông sản, dầu ăn... mà thị trường Ba Lan có nhu cầu rất lớn song đây cũng là các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nhưng chưa được xuất khẩu vào thị trường này. Những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy hợp tác giữa DN hai bên là phải tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt thị trường, nắm bắt đối tác kết nối trong tương lai - ông Piotr Harasimowicz nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ba Lan cũng xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên hợp tác trong thời gian tới trong các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chế biến. Việt Nam hiện là một trong 14 thị trường quan trọng trên thế giới đối với các DN trong ngành nông nghiệp, thực phẩm Ba Lan.

Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua Ba Lan cũng đã lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thịt sang thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam. Với 1.300 nhà máy sản xuất thịt với 200.000 hộ nông dân chăn nuôi theo hình thức khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm, chế biến an toàn sẽ có cơ hội lớn tăng thị phần tại thị trường tiêu dùng thực phẩm Việt Nam - ông Piotr Harasimowicz bày tỏ.

Từ phía các DN Việt Nam thời gian qua cũng chú trọng tìm hiểu cơ hội tăng nhập khẩu sản phẩm thịt từ EU trong đó có Ba Lan. Mặc dù Việt Nam sản xuất sản phẩm gia cầm, nhưng qui mô và chất lượng thất thường, sản phẩm không đa dạng và khó đáp ứng các đơn đặt hàng lớn vì thế nhập khẩu có thể là một giải pháp để cân đối cung - cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Ba Lan, ông Nguyễn Quốc Điển - Giám đốc Marketing Công ty Cảng Bến Nghé cho biết do khoảng cách về địa lý nên các DN xuất khẩu Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thị trường Ba Lan. Tuy nhiên, những hạn chế này đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua khi Việt Nam- Ba Lan đã có đường bay thẳng, các phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không giữa Việt Nam và Ba Lan nói riêng và khu vực Châu Âu nói chung khá đa dạng sẽ tạo thuận lợi cho DN hai nước tăng kết nối giao thương hàng hóa.

Thảo - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-ba-lan-khai-thac-the-manh-de-tang-truong-112854.html