Thương mại Việt – Mỹ: Tiến tới cân bằng

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Mỹ đang được mở rộng hết sức nhanh chóng. Dệt may, da giày, nông sản là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ. Ngược lại, hàng không, năng lượng, lĩnh vực thanh toán, y tế, thương mại số... tạo ra những nền tảng cho các DN Mỹ tham gia cung ứng.

Đối tác hàng đầu về thương mại, đầu tư

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Mỹ - Việt Nam 2018 với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương” do Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ngày 10/9. Tại hội nghị, Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế - Bộ Thương mại Mỹ Gilbert Kaplan chia sẻ, trong năm 2017 kim ngạch 2 chiều đạt 55 tỷ USD, trong một thập kỷ vừa qua, hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam tăng khoảng 200% với giá trị 5,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đứng thứ 5 so với các nước. “Đây cũng là thâm hụt thương mại lớn nhất mà Mỹ có ở các nước Đông Nam Á”- ông Gilbert Kaplan cho biết.

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hùng Thập

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink khẳng định: "Với 93 triệu người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh nhất trong khu vực, đây là lý do nhiều DN Mỹ muốn tìm kiếm hợp tác thương mại đầu tư tới Việt Nam. Chúng tôi rất muốn tìm cách tiếp cận thương mại hai chiều. Làm sao có thể tăng trưởng hơn nữa quan hệ với Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã trở thành nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ hai nước. Mỹ đứng thứ 10/128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Về thương mại, từ mức 7,8 tỷ USD năm 2005, đến 2017 tổng trị giá kim ngạch XNK Việt Nam – Mỹ đạt trên 54 tỷ USD, chiếm 12% tổng trị giá kim ngạch XNK của Việt Nam.

"Hội nghị Thượng đỉnh bàn về chủ đề số và thiết lập quan hệ đối tác số giữa hai cộng đồng DN trong bối cảnh mới. Chúng tôi mong Chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư hợp tác và chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam. VCCI đã có thỏa thuận kết nối với AmCham sẽ có các nhóm công tác liên minh DN Việt Nam – Mỹ trao đổi trong từng nhóm lĩnh vực cụ thể hướng tới kết nối sâu, thúc đẩy thương mại đầu tư." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã đạt 27,4 tỷ USD. Nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đã xuất khẩu vào Việt Nam tăng 20%. Đặc biệt, nhiều hợp đồng và thỏa thuận mua máy bay và động cơ máy bay với giá trị hàng tỷ USD đã và đang được đàm phán giữa DN hai nước trong thời gian gần đây. “Điều đó nói lên, Mỹ không quá lo ngại về việc Việt Nam xuất siêu sang và khả năng cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng cân bằng hơn đáp ứng lợi ích của hai bên” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Tăng cường hợp tác toàn diện
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với nguồn nhân công dồi dào, chính trị - xã hội ổn định cùng những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài. Hiện, Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng sạch, chú trọng tăng cường kết cấu hạ tầng, củng cố các nền tảng của hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng..., phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Đây là những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam cần ưu tiên phát triển và đó cũng là những thế mạnh của Mỹ và các NĐT đến từ Mỹ.
Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các DN Mỹ, Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng thể chế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các NĐT, trong đó có các NĐT Mỹ triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài tại Việt Nam”
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường và mở rộng hợp tác trên cả 3 bình diện: Song phương, khu vực và toàn cầu. Với những chuyến thăm của lãnh đạo hai nước thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư; gần 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ, Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, rằng đây sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, cầu nối thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuong-mai-viet-my-tien-toi-can-bang-324904.html