Thương mại tự do - cơ hội phát triển cho 'lục địa đen'

Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA) với sự tham gia của 55 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) nhằm tạo ra một thị trường lớn ở châu lục

Các sản phẩm từ châu Á, châu Âu có thể phát triển ở châu Phi với chi phí thấp hơn sau khi "lục địa đen" đạt được hiệp định thương mại tự do, theo ông Charles Kayitana, giảng viên cao cấp về quản lý kinh tế và phát triển tại Trường Đại học Rwanda. Với việc ký kết hiệp định này, các nước châu Phi đã tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất ở châu lục nghèo nhất thế giới và mở ra cơ hội phát triển trong tương lai.

Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA) với sự tham gia của 55 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) nhằm tạo ra một thị trường lớn ở châu lục với hàng hóa và dịch vụ phát triển cùng sự lưu thông của các dòng vốn đầu tư và kinh doanh. Hiệp định này cũng được hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhanh triển vọng thành lập Liên minh Hải quan châu Phi.

Theo AFCFTA, các nước châu Phi sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về tự do hóa thương mại và mở ra tiềm năng lớn cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng phát triển.

AU sẽ dần dần loại bỏ thuế quan đối với hoạt động thương mại trong khu vực châu Phi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và được hưởng lợi từ thị trường châu Phi đang ngày càng phát triển.

AFCFTA không chỉ là một hiệp định thương mại tự do mà còn là nền tảng cho quá trình chuyển đổi cơ cấu và công nghiệp hóa của các nước châu Phi. Các ngành sản xuất công nghiệp ở châu Phi được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AFCFTA.

AFCFTA còn quan trọng đối với các nền kinh tế khác bên ngoài châu Phi. Với một thị trường 1,2 tỷ người, GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, châu Phi hy vọng sẽ trở thành một điểm đến đầu tư được ưu tiên hơn.

Theo ông Strive Masiyiwa, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Econet, một tập đoàn viễn thông toàn cầu có các hoạt động và đầu tư tại hơn 20 quốc gia, nếu châu Phi được liên kết, nó sẽ giúp các nền kinh tế toàn cầu đầu tư dễ dàng hơn vào châu lục này. Giới chuyên gia cũng cảnh báo, trong bối cảnh một làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa đang nổi lên trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây, châu Phi cần có những nỗ lực hội nhập nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

LAN ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thuong-mai-tu-do-co-hoi-phat-trien-cho-luc-dia-den-535352