Thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cảnh báo nguy cơ hàng 'Tàu' mượn đường Việt sang Mỹ

'Nếu Mỹ không nhập khẩu hàng từ Trung Quốc thì có thể họ sẽ nhập khẩu từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng với suy đoán này vì có nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ', ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cảnh báo khi nói về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay tới Việt Nam.

Các chuyên gia ADB tại họp báo.

Phát biểu tại họp báo công bố Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển kinh tế châu Á (ADO) 2018 sáng nay (26/9), ông Nguyễn Mạnh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam – cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra cả thuận lợi, cả bất lợi với nền kinh tế Việt Nam.

“Những mặt hàng mà Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc, đặc biệt là 200 tỉ USD hàng hóa bị Mỹ áp thuế 10% gần đây thì nhà nhập khẩu phải tìm ở nguồn khác, trong đó có Việt Nam”, ông Cường nhận định.

Một thuận lợi khác có thể xảy ra là các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể di dời cơ sở sản xuất của họ sang nước khác, trong đó có Việt Nam vốn là nơi đang có môi trường thuận lợi để tiếp tục tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ông Cường.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang như hiện nay được dự báo vẫn là không nhỏ.

“Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang sẽ nó ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại của thế giới. Việt Nam với thị trường có độ mở thương mại rất lớn nên khi tổng cầu thương mại bị ảnh hưởng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là xuất khẩu”, ông nói.

Bên cạnh đó, kênh đầu tư của Việt Nam cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng vì nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của họ.

Ông Cường cũng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thương mại có thể lan sang căng thẳng về tiền tệ, trong đó một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, có thể điều chỉnh hoặc phá giá nhân dân tệ, gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam.

Thêm vào đó, nếu chiến tranh thương mại leo thang thì một số nước như Mỹ, Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa, làm gia tăng cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam.

“Cuối cùng, cần phải tính đến khả năng Mỹ áp các biện pháp đối kháng với hàng hóa Việt Nam nếu nghi ngờ hàng hóa đó có xuất xứ từ Trung Quốc. Những thách thức và rủi ro này cần có những nghiên cứu sâu và theo dõi sát thêm để có thể lượng hóa một cách cụ thể, từ đó đưa ra đối sách đúng và không mang tính nóng vội”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam – cũng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rõ ràng sẽ có một vài tác động tới Việt Nam.

“Trước hết, tác động tiêu cực đầu tiên thương mại toàn cầu sẽ giảm và vì Việt Nam hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn. Khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng thì thương mại của Việt Nam cũng sẽ bị giảm sút”, ông nói.

Tác động thứ 2, theo ông Sidgwick, là ý nghĩa gián tiếp với Việt Nam. “Trước mắt có thể có lợi cho Việt Nam. Nếu Mỹ không nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc thì có thể họ sẽ nhập khẩu từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng với suy đoán này vì có nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ”, ông nói.

Từ những phân tích như vậy, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng ở thời điểm này rất khó để nói leo thang chiến tranh Việt Nam có tác động tiêu cực hay tích cực.

Về phía Việt Nam, theo ông Sidgwick, Việt Nam có hoạt động thương mại khá đa dạng nên có nhiều thị trường mà Việt Nam có thể tìm đến và mở rộng nếu các thị trường lớn khác bị áp lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu của mình nên Việt Nam có cơ hội và có thể trong thời gian tới Việt Nam thậm chí còn được hưởng lợi từ việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Để đối phó với tình hình, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện các phần mềm được sử dụng cho cơ sở hạ tầng của mình.

“Ví dụ, Việt Nam hiện đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản rất tốt, đáp ứng được một số thị trường có đòi hỏi cao như thị trường như EU, thể hiện rằng Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu các thị trường rất khắt khe như EU. Như vậy, Việt Nam có thể mở rộng sang các ngành hàng khác, các lĩnh vực xuất khẩu khác. Chúng ta có thể tiếp tục làn như vậy, theo gương của các mặt hàng nông nghiệp”, ông nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của một loạt các hiệp định thương mại tự do và là đối tác thương mại của một phần lớn thị trường thế giới, dỡ bỏ rào cản thuế quan cho Việt Nam. “Cái chúng ta cần phải cố là các rào cản phi thuế quan để Việt Nam có thể thực sự cạnh tranh với các đối thủ thương mại khác”, ông khuyến nghị.

“Với những gì Việt Nam đã và đang làm cho đến nay thì Việt Nam đều đã đi đúng hướng. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ luôn phải đối mặt với những thay đổi về nhu cầu đến từ thị trường bên ngoài vì Việt Nam dựa nhiều vào thương mại, xuất khẩu. Khía cạnh tích cực ở đây là chúng ta có thị trường đa dạng, cả về thị trường, cả về ngành hàng xuất khẩu nên Việt Nam phải tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh và cả năng suất lao động”, ông Sidgwick nói thêm.

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/thuong-mai-my-trung-leo-thang-canh-bao-nguy-co-hang-tau-muon-duong-viet-sang-my-414585.html