Thương mại Mỹ - Trung: Cuộc đấu giữa Donald Trump và Tập Cận Bình đẩy Trung Quốc về đâu?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tưởng như sắp kết thúc lại bất ngờ leo thang lên một mức độ mới, khả năng hai bên không thể đi đến một thỏa thuận thương mại lịch sử là rất lớn và nguyên nhân được cho rằng bắt đầu từ thay đổi trong chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CNN)

Ngày 5.5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 0 giờ ngày 10.5 nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận thương mại. Và tới 0h01 EDT ngày 10.5, tức 11h01 giờ Hà Nội, thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vừa chính thức được nâng từ 10% lên 25% theo thông báo của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ.

Trước đó, ngày 8.5, đoàn đàm phán cấp cao Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã sang Washington. Song khả năng hai bên không thể đi đến một thỏa thuận thương mại lịch sử là rất lớn và nguyên nhân được cho rằng bắt đầu từ thay đổi trong chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), đã có những trao đổi với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn những điều đang diễn ra và tác động của nó tới bức tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thế nào là chiến thắng triệt để của Mỹ trong chiến tranh thương mại?

Nhiều người vẫn định nghĩa về chiến thắng của Mỹ theo cách rất khó hiểu và mập mờ. Nhưng tôi cho rằng chỉ riêng việc tạo ra chiến tranh thương mại và buộc Trung Quốc phải bước vào bàn đàm phán đã là một chiến thắng. Tổng thống Donald Trump đã làm điều mà chưa ai làm được.

Đối với Mỹ, những bất mãn của chính quyền tổng thống Obama với Trung Quốc liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ và tấn công mạng chỉ được đưa ra bằng các biểu đạt ngoại giao và đã bị phớt lờ một cách lịch sự. Kết thúc nhiệm kỳ, ông Obama đã không tạo được bất kỳ sức ép nào lên Trung Quốc về mặt kinh tế.

Đối với Nhật Bản, EU - những quốc gia chịu đối xử thương mại bất công - họ chưa bao giờ dám lên tiếng thách thức Trung Quốc.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES)

Chiến thắng trong chiến tranh thương mại còn thể hiện ở việc Mỹ đã đi từ việc đấu tranh về "nội dung đàm phán" sang buộc Trung Quốc thay đổi về "cách thức thực thi thỏa thuận". Trong đàm phán của Lighthizer, lần đầu tiên Mỹ đã đưa nội dung về chính sách tiền tệ và tỷ giá vào và buộc Trung Quốc chấp nhận phải thông báo cho Mỹ trước về việc thay đổi tỷ giá (nếu tiến hành). Đó là nội dung. Nhưng quan trọng hơn cả, chưa có nước nào xây dựng đuợc cơ chế "đánh giá kết quả thực hiện và kiểm tra định kỳ" như Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc.

Để tránh Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo, sau khi hiệp định thương mại được ký kết, hai bên sẽ gặp nhau định kỳ, cấp chuyên viên 1 tháng/lần, cấp thứ trưởng 3 tháng/lần, cấp Bộ trưởng 6 tháng/lần. Điều này cho phép Mỹ đánh giá Trung Quốc kịp thời và có cách chế tài tương xứng nếu Trung Quốc hành xử như cũ. Có thể nói đây là “vòng kim cô” quan trọng giúp Mỹ bắt Trung Quốc phải nâng cao tính cam kết với thỏa thuận đã ký.

Nhưng chiến thắng thôi chưa đủ, chiến thắng tuyệt đối phải là việc Tổng thống Trump và cố vấn quan trọng nhất của ông buộc Trung Quốc phải ký được một thỏa thuận 7 chương chứ không phải là buộc Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng từ Mỹ. Vậy điều Mỹ thực sự muốn từ 7 chương đó là gì?

Mỹ thực sự muốn gì từ đàm phán?

Nếu theo dõi 8 vòng đàm phán qua sẽ thấy có 8 trọng tâm mà Mỹ đưa ra, trong đó 5 nội dung đầu là cốt tử để Mỹ “hài lòng”.

Đó là chấm dứt việc ép buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc; Sự cần thiết phải bảo vệ mạnh hơn nữa và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc; Tác hại của việc tấn công mạng, ăn cắp bí mật thương mại; Trợ giá đối với DNNN dẫn đến dư thừa sản lượng; Sự cần thiết phải dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng chế tạo, hàng nông sản và dịch vụ của Mỹ tại thị trường Trung Quốc; Số lượng lớn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan mà các công ty Mỹ phải đối diện ở Trung Quốc; Vai trò của tiền tệ trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung; Sự cần thiết giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Rõ ràng, điều Mỹ muốn đạt được là Trung Quốc thay đổi hành vi, thay đổi mô hình chứ không phải là mức thuế. Thuế quan chỉ là công cụ mà như Lighthizer điều trần “mang tính duy nhất lúc này”.

Đàm phán (nếu) "đổ bể" thì do lỗi của ai?

Một bài độc quyền trên Reuters cho biết, đoàn đàm phán Bắc Kinh đã đến Washington vào tối muộn ngày thứ Sáu, với một bản dự thảo thỏa thuận đã “có một sự chỉnh sửa mang tính hệ thống đối với một hiệp định thương mại dài gần 150 trang”.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã sửa gần hết với 7 chương mà hai bên ròng rã đàm phán suốt 1 năm. Các nguồn tin cá nhân cho biết, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu phải thay đổi và tuyên bố ông sẽ “chịu trách nhiệm cho điều đó”. Chính điều này đã dẫn dến quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump. Đây là những thay đổi nội dung được mô tả là làm cho chính Lighthizer choáng váng. Rõ ràng đây là một tính toán chủ động của Bắc Kinh và được quyết định bởi cấp cao nhất của họ.

Vì sao Trung Quốc (dường như) quyết định "trở cờ"?

Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho điều này.

Từ góc độ kinh tế, rõ ràng nếu Trung Quốc ký một thỏa thuận như phân tích ở trên thì điều đó đồng nghĩa với việc họ phải xé toang bức màn sắt bảo hộ nền kinh tế của mình - điều đi ngược với cách thức điều hành kinh tế của ông Tập Cận Bình. Nó cũng đồng nghĩa với việc chịu sự giám sát của Mỹ. Một thỏa thuận như vậy không khác gì xé toang lồng ngực của người khổng lồ Trung Quốc. Không phải bởi nó bị giảm thặng dư thương mại mà bởi nó sẽ buộc Trung Quốc từ nay trở đi phải trở thành một nền kinh tế minh bạch và ứng xử theo cơ chế thị trường. Mà như thế thì không khác gì tự sát.

Từ góc độ chính trị. Thể diện và uy tín chính trị của ông Tập Cận Bình rất quan trọng. Sẽ rất khó để ký một thỏa thuận bị coi là “quá nhún nhường Mỹ”. Nó cũng có thể đến từ tính toán rằng Mỹ do đã không đạt được thỏa thuận với Bắc Triều Tiên nên rất cần một thỏa thuận với Trung Quốc. Như vậy, việc “không cho Mỹ một thỏa thuận” có nghĩa là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cùng gây sức ép lên tổng thống Trump trong bối cảnh bầu cử 2020 đang đến gần. Nói theo cách khác, chiêu thức liên hoành đang được tái hiện.

Nhưng câu hỏi, Trung Quốc mạo hiểm như vậy để làm gì? Tại sao lại phải tác động lên bầu cử Mỹ bằng cách hạ uy tín chính trị của ông Donald Trump? Câu trả lời có thể là vì Trung Quốc muốn có một tổng thống Mỹ mới đến từ phe Dân chủ ôn hòa hơn. Nếu đọc Tweet của tổng thống Trump “The reason for the China pullback and attempted renegotiation of the Trade Deal is the sincere HOPE that they will be able to 'negotiate' with Joe Biden or one of the very weak Democrats” sẽ thấy rõ hy vọng này của Trung Quốc. Có thể phỏng đoán, một phần tính toán của Tập Cận Bình là “không hợp tác với Donald Trump để đợi một ứng viên Tổng thống Mỹ khác”.

Tín hiệu từ phía Trung Quốc

Tổn thất thật sự khiến Trung Quốc phải đi vào đàm phán với Mỹ là vì họ muốn bảo vệ uy tín chính trị của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc không muốn người dân trong nước nghĩ chính sách của ông Tập Cận Bình đang đi chệch hướng. Nhưng với thay đổi này của ông Tập Cận Bình cho thấy dường như Bắc Kinh đã sẵn sàng đối diện với áp lực trong nước để đẩy sức ép qua cử tri Mỹ. Một loạt cơ quan ngôn luận quan trọng của Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân hiểu và ủng hộ chính sách của trung ương. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng rất tự tin tuyên bố sẽ đáp trả cần thiết nếu Mỹ leo thang. Sự tự tin này có thể đến từ mấy yếu tố:

(1) Trung Quốc tự tin chiến tranh thương mại không ảnh hưởng lớn đến kinh tế như lo ngại ban đầu và thời gian qua chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đã giúp doanh nghiệp nước này thậm chí còn phát triển mạnh hơn;

(2) Họ tin rằng chiến tranh thương mại không ảnh hưởng đến vị thế của lãnh đạo mỗi nước nên việc cứng rắn với tổng thống Trump dù có thể không tác động nhiều đến kết quả bầu cử 2020 cũng là một cách để tỏ rõ nguyên tắc xử của Trung Quốc dưới các sức ép của Mỹ;

(3) Bắc Kinh tin rằng Tổng thống Donald Trump không còn lá bài nào để gây sức ép lên Trung Quốc;

(4) Dùng chính cách quyết sách “không thể đoán trước” của tổng thống Donald Trump để đối phó với Mỹ.

(Tít bài do Dân Việt đặt)

TS. Phạm Sỹ Thành

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/thuong-mai-my-trung-cuoc-dau-giua-donald-trump-va-tap-can-binh-day-trung-quoc-ve-dau-978438.html