Thương mại gạo châu Á tê liệt sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu

Các hạn chế của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo đã làm tê liệt giao dịch ở châu Á, với người mua đang tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar nhưng bên bán lại quyết găm hàng để chờ giá tăng thêm.

Nông dân đóng các bao lúa ở vùng ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Nông dân đóng các bao lúa ở vùng ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với nhiều loại lúa gạo khác như gạo trắng và gạo lứt (ngoại trừ gạo đồ và gạo thơm basmati) kể từ ngày 9-9 trong một nỗ lực tăng nguồn cung trong nước để hạ nhiệt giá lương thực sau khi diện tích trồng lúa bị thu hẹp do lượng mưa trong mùa mưa vừa qua dưới mức trung bình.

Gạo là mặt hàng mới nhất trong chuỗi các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu trong năm nay khi các chính phủ tìm cách bảo đảm nguồn cung trong nước và chống lạm phát trong bối cảnh gián đoạn thương mại do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Kể từ sau thông báo hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo ở châu Á tăng 5% và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong tuần này.

Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành Công ty Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, nói: “Hoạt động giao dịch gạo bị tê liệt trên khắp châu Á. Các thương nhân không muốn cam kết bất cứ điều gì một cách vội vàng. Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu. Vì vậy, không ai dám chắc giá sẽ tăng đến mức bao nhiêu trong những tháng tới”.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người dân trên toàn cầu và khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vào năm 2007, giá mặt hàng lương thực này trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 1.000 đô la Mỹ/ tấn.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của bốn nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Hoạt động bốc gạo lên các tàu hàng tại các cảng của Ấn Độ đã dừng lại và gần một triệu tấn gạo bị mắc kẹt ở đó vì bên mua từ chối trả mức thuế xuất khẩu 20% mới của chính phủ nằm bên ngoài giá đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Công ty Olam Agro India, ghi nhận dù có một số người mua sẵn sàng trả giá cao hơn cho các hợp đồng mới, nhưng các chủ hàng hiện đang giải quyết các hợp đồng đang chờ xử lý.

Khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng tìm nguồn cung từ các đối thủ Thái Lan, Việt Nam và Myanmar, những nơi đã tăng giá gạo trắng 5% tấm lên thêm 20 đô la Mỹ mỗi tấn trong 4 ngày qua, các thương nhân cho biết.

Nhưng những nhà cung cấp này cũng không muốn vội vàng ký hợp đồng vì họ đang kỳ vọng giá sẽ tăng lên. “Chúng tôi kỳ vọng giá sẽ tăng hơn nữa trong những tuần tới”, một thương nhân có trụ sở tại TPHCM, nói.

Theo các thương nhân, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 410 đô la Mỹ/ tấn vào hôm 12-9, tăng từ mức 390- 393 đô la Mỹ/ tấn vào tuần trước.

Một thương nhân ở Singapore cho biết: “Giá gạo Myanmar sẽ tăng thêm 50 đô la Mỹ/tấn trong khi các nhà cung cấp ở Thái Lan và Việt Nam sẽ báo giá cao hơn”.

Giá gạo trắng 5% tấm ở Myanmar được báo giá khoảng 390-395 đô la Mỹ một tấn trước khi Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Các nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Philippines có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức với giá gạo cao hơn.

Trung Quốc, một trong những nhà nhập khẩu gạo tấm lớn nhất của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng bắp, các thương nhân cho biết.

“Chúng tôi dự báo khối lượng nhập khẩu gạo tấm của Trung Quốc sẽ giảm với lệnh cấm này khi vụ thu hoạch bắp mới của Trung Quốc sắp được tung ra thị trường. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có khối lượng lớn các loại ngũ cốc nhập khẩu khác”, Rosa Wang, nhà phân tích tại Công ty Shanghai JC Intelligence, nói.

“Trên thực tế, đã có tin tức về kế hoạch hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam để tăng giá xuất khẩu. Chúng tôi đang phân tích tác động có thể xảy ra của những động thái có thể xảy ra này”, Mercedita Sombilla, Thứ trưởng phụ trách chính sách tại Bộ Nông nghiệp Philippines, nói với Reuters hôm 9-9.

Hôm 4-9, giới chức trách Thái Lan cho biết Thái Lan và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu, một động thái nhằm tăng đòn bẩy của họ trên thị trường toàn cầu và nâng cao thu nhập của nông dân.

Trung Quốc, Philippines, Bangladesh và các nước châu Phi như Senegal, Benin, Nigeria và Ghana nằm trong số các nhà nhập khẩu gạo loại thường, trong khi Iran, Iraq và Ả Saudi Arabia mua loại gạo basmati cao cấp.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 và gần đây là cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng ngũ cốc lên cao nhưng gạo lại đi ngược xu hướng tăng giá đó nhờ các vụ mùa bội thu và lượng tồn kho dồi dào ở các nước xuất khẩu trong hai năm qua. Người mua hiện lo ngại động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có thể khiến mặt hàng lương thực tăng mạnh giống như đà tăng của giá lúa mì và bắp trong năm qua.

Nguồn cung gạo toàn cầu không chỉ căng thẳng vì động thái trên của Ấn Độ mà còn do hạn hán ở California, bang sản xuất gạo lớn thứ hai của Mỹ. Các cánh đồng ở Ý, nước sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm, cũng chịu ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng với 4.000 trang trại lúa gạo ở lưu vực sông Po, ở phía bắc đất nước đang thiếu nước tưới. Ý cung cấp 50% nhu cầu gạo của châu Âu.

“Hạn hán đang tàn phá các cánh đồng lúa của Ý với ước tính thiệt hại trên 30% sản lượng thu hoạch vào thời điểm chi phí sản xuất tăng kỷ lục do tác động của chiến tranh ở Ukraine”, Hiệp hội nông dân Ý Coldiretti cho biết.

Trận lũ lịch sử ở Pakistan mới đây cũng khiến nông dân nước này mất gần hết hạt lúa giống cho vụ gieo trồng tiếp theo bắt đầu từ tháng 10. Pakistan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư trên thế giới, sản xuất 7 triệu tấn gạo và xuất khẩu 4 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, nếu lũ không rút kịp, vụ lúa mùa đông có thể không gieo được.

Theo Reuters, foodingredientsfirst.com

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-mai-gao-chau-a-te-liet-sau-khi-an-do-han-che-xuat-khau/