Thương mại điện tử Việt Nam cao gấp 2,5 lần Nhật Bản

Thông tin từ Diễn đàn 'Kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logicstics'.

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2019, sáng 4/12, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Diễn đàn “Kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực và logicstics”. Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Báo cáo của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam còn nhỏ nhưng nếu xét về tăng trưởng, Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực TMĐT của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Thương mại điện tử ở Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thương mại điện tử ở Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, với thói quen tiêu dùng hiện nay, người tiêu dùng sẽ xem xét sản phẩm online trước khi quyết định đến xem và mua hàng. Do đó, kinh doanh trên nền tảng TMĐT đang bước sang một kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức mới. Nếu doanh nghiệp, cá nhân không thích nghi có thể bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay trên sân nhà.

Nhận định về tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT và logicstics, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, cơ hội cho các bạn startup trong lĩnh vực TMĐT và logicstics tại Việt Nam là rất lớn, thể hiện rất rõ ở số lượng giao dịch đầu tư và quy mô vốn đầu tư đã tăng trong năm qua rất là cao và nằm trong top các lĩnh vực.

“Dân số Việt Nam cũng đủ để cho các startup triển khai những mô hình mới. Thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam cũng luôn muốn trải nghiệm những giải pháp mới, những phần mềm thông minh và đấy là nền tảng rất quan trọng để các startup sáng tạo, đưa ra những mô hình mới trước khi phát triển ở thị trường các nước khác”, ông Quấn chỉ rõ.

Mặc dù khẳng định TMĐT và logicstics có tiềm năng khá lớn tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra, chi phí logicstics tại Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (19%) và Singapore (8%).

Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để nâng cao sức cạnh tranh, cần có giải pháp giảm thiểu chi phí logicstics và giải pháp tạo niềm tin để phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Công Thương cho biết, đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về thương mại điện tử, logicstics cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại điện tử và logicstics, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.

Bộ Công Thương tăng cường kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới lĩnh vực thương mại điện tử và logicstics; nâng cao năng lực và dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung đầu tư tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm cho cả doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp logicstics và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…

Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhận định, bản thân các startup cũng cần phải nỗ lực, từ đầu tư công nghệ đến chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Phạm Ngọc Huy- Giám đốc đầu tư và ươm tạo Quỹ đầu tư Việt Nam Silicon Valley thì cho rằng, startup của Việt Nam còn rất trẻ, trẻ hơn so với độ tuổi khởi nghiệp ở một số nước và chính vì trẻ nên các startup vẫn còn thiếu kinh nghiệm./.

Tạ Lan/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-cao-gap-25-lan-nhat-ban-986184.vov