Thương mại điện tử phát sinh những vi phạm mới về bảo vệ 'thượng đế'

Ngày 23/7/2020, Hội thảo 'Góp ý một số điều của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghị định hướng dẫn thi hành' được tổ chức tại Hà Nội để tìm các giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010.

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hằng

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hằng

Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và tạo ra hành lang pháp lý giúp người tiêu dùng trở thành "thượng đế" khi bước vào thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng". Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.

Luật sư Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho rằng, việc khiếu nại của người tiêu dùng gặp phải nhiều khó khăn khi bị vướng phải trường hợp mua nhầm hàng kém chất lượng hay sản phẩm bị khuyết tật, thậm chí bị cá nhân, tổ chức kinh doanh lừa đảo bán hàng không đúng mẫu mã đã trưng bày hay quảng cáo, giới thiệu; hoặc bị lừa dối trúng thưởng khuyến mại phải mua hàng với giá cao, do không có cơ quan Nhà nước địa phương nhận trách nhiệm xử lý

Kiến nghị các giải pháp báo vệ người tiêu dùng, luật sư Thu đề xuất, cần bổ sung Điều khoản quy định việc hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể chế định thành một lĩnh vực nghề nghiệp đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà cũng vừa hỗ trợ các cá nhân, tổ chức kinh doanh làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, luật sư này cũng kiến nghị Luật cần phải bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa hay dịch vụ trong trường hợp là “người thuê” để dễ dàng khi đưa vào áp dụng trong thực tế.

"Cùng với quyền lợi được bảo vệ, người tiêu dùng phải thực thi nghĩa vụ của mình. Cụ thể, cần phải bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng là không đặt mua sử dụng những loại hàng hóa làm giả các thương hiệu lớn như trong lĩnh vực thời trang, gây thiệt hại uy tín quốc gia, bảo đảm cho việc thực thi các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết", luật sư Thu nêu ý kiến.

Theo ý kiến luật sư Phan Thị Việt Thu, những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đã xác định hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý hình sự.

Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được. Tuy nhiên, Luật chưa quy định bồi thường thiệt hại cho người sử dụng mặc dù những chất độc hại tích tụ sẽ di hại sức khỏe về sau.

Đây là điều thiệt thòi lớn nhất của người tiêu dùng, cho nên cần phải quy định cho những trường hợp chứng minh NTD đã sử dụng sản phẩm độc hại, dù chưa phát sinh trong hiện tại.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuong-mai-dien-tu-phat-sinh-nhung-vi-pham-moi-ve-bao-ve-thuong-de-130502.html