Thương mại điện tử: Hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD

'Thương mại điện tử (TMĐT) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 là một mục tiêu lớn được kỳ vọng và chúng ta đang làm hết sức để đạt được mục tiêu này' - ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Nhiều chuyên gia nhận định, TMĐT Việt Nam là mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư. Từ góc độ cơ quan quản lý, ông nhận định gì về sự phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam thời gian qua?

TMĐT Việt Nam đang có tốc độ phát triển tốt và khá ấn tượng. Theo thống kê, giá trị thương mại của TMĐT hàng năm tăng khoảng 25-26%. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để đuổi kịp với thế giới. Hiện nay, TMĐT mới chiếm hơn 3% giá trị giao dịch của thương mại trên thị trường. Con số này rất thấp nếu so với Trung Quốc (hiện nay chiếm tới 38%), thậm chí, Mỹ, Nhật Bản còn cao hơn.

Với tốc độ này, tới năm 2020, Việt Nam mới có tổng doanh thu TMĐT vào khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% lưu lượng giao dịch hàng hóa trên thị trường. Rõ ràng, khoảng cách của TMĐT Việt Nam với thế giới cũng như một số nước trong khu vực vẫn còn rất lớn.

Trước tiềm năng của TMĐT, Việt Nam đã có chiến lược tập trung phát triển như Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc triển khai chương trình này?

Phát triển TMĐT quốc gia là một chương trình có ý nghĩa rất lớn. Chương trình này cho phép phát triển TMĐT không chỉ ở những thành phố lớn mà còn tại gần 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ xây dựng một trục quốc gia để kết nối tất cả các sàn TMĐT với nhau. Như vậy, trên giao dịch TMĐT, các tỉnh, thành phố, các thị trường trong nước sẽ được kết nối. Bước tiếp theo là kết nối, đưa những sản phẩm chủ lực của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế đến sàn giao dịch TMĐT trên thế giới như Amazon, Alibaba…, từ đó, tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Hiện nay, trong phần lớn các hiệp định thương mại tự do đều đề cập sâu đến TMĐT. Chẳng hạn, tại Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hẳn một chương về TMĐT. Điều này đòi hỏi phải rà soát lại các quy định pháp lý liên quan tới lĩnh vực TMĐT sao cho phù hợp. Đây có phải là thách thức hiện nay đối với ngành TMĐT không, thưa ông?

Về thách thức pháp lý, Việt Nam hiện chưa gặp phải, bởi vì khi đàm phán với các bên theo các hiệp định, chúng ta đã rà soát pháp lý rất kỹ. Vì vậy, việc sửa các luật, các điều kiện pháp lý liên quan TMĐT khi chúng ta tham gia vào những hiệp định thương mại tự do không phải là một chướng ngại lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định chắc chắn sẽ có nhiều trở ngại phải vượt qua.

Tỷ lệ mua sắm online của người Việt tăng nhanh

Tôi nghĩ rằng, tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là đối với ngành TMĐT là một xu hướng tốt đẹp và sẽ thúc đẩy sự phát triển TMĐT trong nước. Vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định TMĐT ASEAN. Đây là một Hiệp định TMĐT đầu tiên trong khu vực. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ các nước trong khối ASEAN. Tất cả các nước đều nhìn thấy lợi ích to lớn của TMĐT và quyết tâm phát triển với những biện pháp không chỉ ở một nước mà có thể phát triển tốt, xuyên biên giới trong khu vực như ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp (DN) để họ có đủ kỹ năng cần thiết tham gia sàn TMĐT quốc tế; đồng thời, hỗ trợ DN về mặt công nghệ..

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-hien-thuc-hoa-muc-tieu-10-ty-usd-114713.html