Thương mại điện tử đang thay đổi cuộc chơi của logistics

Hiện, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là một xu hướng 'thời trang' nữa mà nó là một phần quan trọng của ngành bán lẻ.

Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics

Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về TMĐT. Thị trường TMĐT tăng trưởng 35% hàng năm, nhanh hơn Nhật Bản 2,5 lần.

Số liệu của Statista năm 2018 cho thấy, quy mô thị trường TMĐT thế giới ước đạt 4.878 tỷ USD vào năm 2021 so với con số 1.745 tỷ USD năm 2016, tăng 264%. Tại Việt Nam, doanh thu TMĐT đạt 2,1 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2023. TMĐT ngày nay không còn là một xu hướng "thời trang" nữa mà nó là một phần quan trọng của ngành bán lẻ.

Đại diện Lazada Express nhận định, TMĐT đang thay đổi cuộc chơi của logistics. Thế giới TMĐT đã và đang dẫn đến nhiều những rủi ro và vấn đề phức tạp mà các chuyên gia logistics và chuỗi cung ứng chưa từng phải đối mặt.

Từ việc tiếp nhận một lượng đơn hàng khổng lồ và cần giao đi tất cả các kênh cho đến mạng lưới phân phối phải tối ưu để có thể giao hàng trong ngày hoặc ngày tiếp theo. Do đó, các nhà bán lẻ và sản xuất ngày nay đều phải đổi mới, sáng tạo, thích nghi và thay đổi không ngừng để không bị loại ra khỏi thị trường của họ.

TMĐT cũng đang tác động chính lên logistics đầu cuối và kho bãi. Cụ thể, các sàn TMĐT thường cần kho bãi lớn gấp hai đến ba lần các nhà bán lẻ truyền thống vì trung tâm phân phối cho TMĐT cần tồn kho, lao động nhiều hơn và cũng cần tự động hóa. Khuynh hướng hiện nay là xây dựng kho thiết kế riêng để có thể tùy chỉnh kho phục vụ được đa phương tiện vận chuyển.

Vì vậy, các công ty logistics cần tăng cường thông tin, phản hồi nhanh chóng hơn, tăng cường công nghệ để đáp ứng các quy trình linh động, thiết lập được mạng lưới và các liên kết kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu thay đổi.

Thực tế cho thấy, các công ty giao nhận truyền thống, công ty chuyển phát nhanh vốn trước đây chỉ tập trung phục vụ khách hàng DN (B2B) ngày nay cũng phải chuyển mô hình dịch vụ kinh doanh để có thể phục vụ khánh hàng đầu cuối (B2C).

Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - nhận định - Hiện, quy mô giao dịch TMĐT ở Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 2% tổng giá trị thị trường bán lẻ so với tỉ lệ trung bình 7% của thế giới. Thị trường TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng hàng năm trên 20% và sẽ đạt giá trị khoảng 12-14 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng giá trị của thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm 2025. Đây chính là lý do khiến logistics truyền thống phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của kinh tế số. Sự gia tăng của TMĐT thể hiện qua những con số trên dẫn đến gia tăng khách hàng cá nhân và gia tăng mô hình kinh doanh tích hợp B2B2C, trong đó nhiều DN cùng phối hợp trên cùng nền tảng công nghệ để cùng phục vụ một đối tượng khách hàng cụ thể.

Tuy nhiên, logistics cho TMĐT ở Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều trở ngại lớn. Hiện, chúng ta chưa có luật về logistics cho TMĐT. Chưa có một hệ thống giáo dục chính thức cho ngành Elogistics.

Cạnh đó, phương tiện chủ yếu dùng để giao hàng trong Elogistics là xe máy. Đây không phải là phương tiện chuyên dụng để chở hàng. Hạ tầng hạn chế, hệ thống địa chỉ cũng là một vấn đề lớn. Nền tảng công nghệ, hạ tầng công nghệ, các hệ thống tự động hóa để đáp ứng cho TMĐT với yêu cầu xử lý khối lượng dữ liệu lớn cũng đang là một vấn đề của Việt Nam. Giao hàng thu tiền hay còn gọi là COD. Với 95% COD làm cho chi phí logistics của chúng ta cao hơn, rủi ro cao hơn cho người giao hàng khi tỷ lệ khách hàng hủy không nhận đơn hàng khi được giao đến cao.

Tất cả những điều trên làm cho hiệu quả của hệ thống logistics của Việt Nam còn thấp.

Ông Bùi Anh Tuấn - Giám đốc Mapletree Việt Nam - nêu quan điểm: TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ nhưng quỹ đất lại dành nhiều cho trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng chứ không dành cho logistics... Việc này cần được khắc phục để nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics Việt Nam. “Có thể điều chỉnh quy hoạch để đón đầu và đáp ứng tốt nhất cho hạ tầng logistics trong lâu dài. Bởi dù với tốc độ phát triên TMĐT như hiện nay thì Việt Nam không tránh được việc phải chuẩn bị hạ tầng cho logicstics”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Việt Nam sẽ phải giải quyết rất nhiều thách thức để có thể đồng hành với các xu hướng mới trong hoạt động logistics. Ông Trần Đức Nghĩa kiến nghị, trước tiên, cần một hệ thống luật pháp và các nền tảng hạ tầng của xã hội như: công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo. Tăng quy mô cho các hoạt động logistics và tăng tính kết nối giữa các chủ thể tham gia thị trường logistics, giữa các phương thức vận tải hàng hóa là phương thức hữu hiệu để giảm chi phí logistics. Phát triển một phương tiện vận tải phù hợp cho TMĐT sẽ góp phần giảm chi phí logistics…

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam - nhấn mạnh: Việc các DN TMĐT Việt Nam liên kết với các DN dịch vụ logistics theo hướng DN ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau cũng sẽ góp phần giúp DN logistics nâng cao sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thuong-mai-dien-tu-dang-thay-doi-cuoc-choi-cua-logistics-21651.html